80% nước ở vùng nông thôn Trung Quốc không thể uống

(PLO) -Việc tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc đi kèm mức “giá” cao về môi trường, y tế và xã hội, và các nước khác cần thận trọng khi áp dụng mô hình của Trung Quốc, ông Yanzhong Huang – một học giả cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng kinh tế đối ngoại Mỹ - cảnh báo. 
Một người phụ nữ gánh quần áo về sau khi giặt ở một con kênh tại Hà Bắc
Một người phụ nữ gánh quần áo về sau khi giặt ở một con kênh tại Hà Bắc

40% sông, hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng

Sau nhiều năm lấy bầu trời u ám làm thước đo của sự tàn phá môi trường, dư luận Trung Quốc ngày càng nhạy cảm trước những mối đe dọa đối với sức khỏe. Năm 2016, người dân lại chấn động trước các số liệu thống kê về tình trạng nước uống ở nước này. 

Cụ thể, Bộ tài nguyên nước Trung Quốc tháng 4/2016 công bố kết quả nghiên cứu do Bộ này thực hiện từ tháng 1/2016 đối với 2.103 giếng nước ngầm ở nhiều vùng nông thôn. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những mẫu khảo sát có đến 32,9% được xếp vào Nhóm 4, tức nhóm nước chỉ phù hợp với mục đích công nghiệp và nông nghiệp. Còn gần 47,3% các mẫu nước được đưa đi kiểm tra được xếp vào Nhóm 5, tức nhóm con người không thể dùng được dưới bất cứ hình thức nào. 

Điều này đồng nghĩa với việc hơn 80% nước từ các giếng nước ngầm mà các trang trại, nhà máy và các hộ gia đình ở những vùng đồng bằng đông đúc nhất Trung Quốc không đủ điều kiện để uống hay tắm rửa. Đặc biệt, tất cả các mẫu nước được đưa đi kiểm tra đều không còn được sạch như nước nguồn mặc dù một số mẫu nước ở Bắc Kinh được lấy từ những khu vực vốn được cho là có nước sạch hơn các nước khác ở khu vực phía đông bắc Trung Quốc.

Trong số những chất ô nhiễm được phát hiện trong nước là mangan, fluorua và triazole – là các chất hóa học thường được dùng để chế thuốc diệt nấm. Ở một số khu vực nhất định, các mẫu nước cũng được xác định đã bị nhiễm kim loại nặng. 

Nguyên nhân khiến nước giếng ở Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn cho người sử dụng được xác định là do bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất công nghiệp và tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp khiến nguồn nước ở các khu vực nông thôn bị nhiễm chì, cadmium, thuốc trừ sâu và nhiều loại hóa chất độc hại khác.

Vấn đề nghiêm trọng nhất

Người dân ở một số thành phố của Trung Quốc lấy nước từ các hồ nước sâu nhưng nhiều ngôi làng và những thị trấn nhỏ ở các vùng quê ở nước này vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nước từ những nước giếng. Một báo được công bố ít năm trước đó cho biết nước giếng chiếm 1/5 nguồn cung cấp nước ở Trung Quốc. Ở các khu vực đồng bằng phía bắc, 2/3 nguồn nước sinh hoạt của người dân đến từ nguồn này. 

Đây không phải là lần đầu tin những thông tin về thực trạng chất lượng nước sinh hoạt của một bộ phận lớn người dân Trung Quốc được công bố. Trước đó, báo cáo hàng năm của Bộ tài nguyên nước Trung Quốc được công bố năm 2015 cũng cho thấy 2/3 nước ngầm và 1/3 nước trên bề mặt ở Trung Quốc không thích hợp để ăn, uống, trong đó phần lớn bị ô nhiễm phân bón kim loại nặng và chất thải chưa qua xử lý. 

Còn theo khảo sát năm 2014, một nửa trong số 2.071 mẫu nước được lấy để kiểm tra có chất lượng rất kém và 36% có chất lượng vô cùng kém. Những thông tin này vẫn không khỏi khiến người dân ở Trung Quốc lo ngại. “Không biết liệu ở Trung Quốc có còn ít nước nào sạch nữa không. Thông tin mới được công bố thật đáng báo động” – một cư dân mạng bình luận trên tờ National Business Daily.

Đường ống xả nước thải vào sông Dương Tử ở Trung Quốc năm 2013.
Đường ống xả nước thải vào sông Dương Tử ở Trung Quốc năm 2013. 

Trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận nước giếng ở nhiều nơi trên khắp nước này bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp và trồng trọt. Năm 2011, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã công bố kế hoạch giảm thiểu tình trạng ô nhiễm các nguồn nước ngầm vào cuối thập kỷ này. Đến năm 2014, Trung Quốc tiếp tục công bố kế hoạch chống ô nhiễm trên diện rộng, cam kết đẩy lùi tình trạng bầu trời, nước sông và đất bị tàn phá bởi hơn 30 năm phát triển công nghiệp quá nóng. 

Tuy nhiên, có thể thấy, cho đến nay, tình hình vẫn không mấy được cải thiện. “Ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây đã trở thành một chủ đề nóng nhưng vấn đề ô nhiễm nước ngầm đã gần như bị lãng quên” – ông Zheng Yuhong, một chuyên gia về nông nghiệp và là một đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho biết. 

Ông Dabo Guan, một giáo sư đã nhiều năm nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và khan hiếm nước ở Trung Quốc thậm chí cho rằng kết quả nghiên cứu năm 2016 đã cho thấy nước mới là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. 

Theo ông Guan, người dân ở thành phố có thể nhìn thấy rõ ràng tình trạng ô nhiễm không khí mỗi ngày nên áp lực từ người dân đối với vấn đề này rất lớn. Còn việc ô nhiễm nguồn nước không phải lúc nào cũng nhìn thấy nên nhiều người không nhận thức được đúng đắn mức độ của tình trạng ô nhiễm. 

Chưa kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm

Phát biểu tại buổi công bố kết quả nghiên cứu hồi năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc Zhao Yingmin thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo chất lượng nguồn nước ở nước này. “Chúng tôi nhận thấy ở một số nơi, chất lượng nguồn nước đã tệ đi đáng kể” – ông nói. Ông Zhao cũng thừa nhận những nguồn gây ô nhiễm nguồn nước ở Trung Quốc vẫn chưa được kiểm soát một cách phù hợp. 

Cũng trong năm 2016, tỉnh khai thác than đá thuộc hàng nhiều nhất Trung Quốc là Sơn Tây cho biết 29/100 địa điểm được khảo sát về chất lượng nguồn nước dưới nhóm 5, tức ở mức không thể sử dụng cho con người. Tại trung tâm sản xuất Giang Tô ở gần Thượng Hải, các thanh tra cũng phát hiện nước sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc – đã không được bảo vệ. Theo kết quả khảo sát, 20,5% các mẫu nước được lấy từ các nhánh sông không đạt nhóm 5, tăng đến 11,4% so với năm trước đó. 

Ở Ninh Hạ nằm ở phía tây bắc Trung Quốc – cũng là một trong những nơi khai thác than hàng đầu Trung Quốc – các điều tra viên phát hiện nước ở 2 hồ nước đã suy giảm chất lượng nghiêm trọng. Mỗi ngày có đến 6.400 tấn chất thải thô đã được xả ra mỗi 1 trong 2 hồ nước. Còn ở một hồ nước ở tỉnh nông thôn Quảng Tây, nồng độ ammonia và phosphate đã tăng gấp đôi do ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi và đánh bắt cá. 

Một nghiên cứu do Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố hồi năm 2010 cho thấy mỗi năm tại Trung Quốc có đến gần 100.000 người tử vong do các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước. 

“Với không khí, anh có thể ngăn chặn ô nhiễm từ nguồn và bầu trời lại xanh trong trở lại. Nhưng với nước, anh có thể ngăn ô nhiễm từ nguồn nhưng vẫn lớp trầm tích vẫn bị ô nhiễm và sẽ ngấm lại vào nước chỉ một thời gian ngắn sau đó” – ông Ma Jun, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề môi trường và cộng đồng, chuyên giám sát tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Trung Quốc, nhận xét. 

Tổ chức y tế thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo cho biết gần 2 tỉ người đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, khiến họ có nguy cơ mắc các bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt. Báo cáo ước tính nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân dẫn tới hơn 500.000 trường hợp tử vong do tiêu chảy trên thế giới mỗi năm và là một yếu tố chính trong một số bệnh nhiệt đới khác như giun đường ruột, bệnh sáng máng và đau mắt hột.

Đọc thêm