Bộ Y tế đã giao BV Phổi Trung ương phối hợp với một số đơn vị khác nghiên cứu mối liên hệ giữa vác xin chống lao BCG và Covid-19. Trên thế giới, cũng có 6 nước đang triển khai nghiên cứu đề tài này.
Những quyết định này được đưa ra sau khi một nhóm nghiên cứu của Mỹ và Ireland đã nhận định những nước có chương trình tiêm vắc xin BCG ngừa lao có tỉ lệ tử vong khi nhiễm Covid-19 thấp hơn.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, ông đang hoàn thiện nốt đề cương, dự kiến trong tuần tới sẽ trình Bộ Y tế. Sau khi được thông qua, BV sẽ phối hợp với một đơn vị của Pháp để thực hiện.
Theo kế hoạch, việc nghiên cứu sẽ được triển khai trên hai nhóm đối tượng. Thứ nhất, nghiên cứu trên chính những bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam, so sánh đối chứng giữa nhóm từng được tiêm vắc xin lao ngày bé với nhóm không được tiêm xem có gì khác biệt.
Thứ hai, sẽ lựa chọn khoảng 800 nhân viên y tế đang công tác tại những bệnh viện tuyến đầu chống dịch như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM… để tiêm lại vắc xin BCG (tái chủng).
Hiện các nhà nghiên cứu đang đặt giả thiết vắc xin BCG chống lao có tác động đến khả năng điều hoà miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể miễn dịch tốt hơn, do đó, bệnh nhân dù có nhiễm Covid-19 cũng hồi phục nhanh hơn, giảm tỉ lệ tiến triển nặng.
Hay tại Mỹ, thành phố New York có tỉ lệ tử vong do Covid-19 rất cao, trong khi đó 2 thành phố khác có tỉ lệ tiêm ngừa lao cao hơn thì tỉ lệ tử vong thấp hơn.
Còn ở Nhật Bản, tỉ lệ tử vong do Covid-19 cũng thấp, trùng hợp với tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa lao cao.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học đây chỉ là những thông tin ban đầu, cần làm thử nghiệm lâm sàng để có kết luận chính xác.
Các chuyên gia Việt Nam cũng nhấn mạnh việc tiêm nhắc lại vắc xin BCG không vì mục đích để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 hay giảm nguy cơ mắc loại virus này. Mục đích chính là để so sánh chỉ số miễn dịch so với nhóm không tiêm.
Trước đó, một nghiên cứu được đăng tải trên trang medRxiv đã chỉ ra mối liên hệ tương quan giữa chính sách bắt buộc người dân tiêm vắc-xin BCG phòng lao của một số nước với số ca nhiễm và tử vong vì virus corona mới (SARS-COV-2). Cụ thể, những nước có chính sách bắt buộc phải dùng BCG được cho là có số ca Covid-19 và số người thiệt mạng vì dịch bệnh thấp hơn nhiều so với những nước không có chính sách nói trên.
Hiện nghiên cứu liên quan tới việc dùng vắc-xin BCG cũng đang được tiến hành ở Australia, Đan Mạch, Đức, Anh, Mỹ và Hà Lan.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo ngay cả khi BCG có hiệu quả, không có lý do gì để người dân tích trữ loại vắc-xin này.