Hồi tháng 4, thành phố Ratodero trở thành tâm điểm của đợt bùng phát HIV có ảnh hưởng trầm trọng nhất đến trẻ em. Các quan chức y tế ban đầu cho rằng, căn bệnh bùng phát vì một bác sĩ nhi khoa đã sử dụng lại ống tiêm nhiều lần.
Vị bác sĩ đang được nói tới là ông Muzaffar Ghanghro, một bác sĩ nhi khoa đã cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho một số gia đình nghèo nhất trong thành phố. Phòng khám của bác sĩ Ghanghro là nơi thăm khám với chi phí rẻ nhất ở thành phố này, với chỉ 20 cent cho một lần khám. Đối với nhiều gia đình ở đây chỉ kiếm được chưa tới 60 USD/tháng, phòng khám của bác sĩ này là phù hợp nhất với điều kiện kinh tế của họ.
Thế nhưng kể từ đó, 1.100 người dân bị phát hiện dương tính với HIV, hay nói cách khác, bình quân cứ 200 người thì có một người nhiễm HIV. Trong số này có gần 900 trẻ dưới 12 tuổi. Giới chức y tế cho rằng con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều vì đến thời điểm này chỉ có một phần dân cư của thành phố đi xét nghiệm. Rất nhiều người vội vã đi xếp hàng và làm xét nghiệm.
Ông Imtiaz Jalbani, cha của 6 đứa trẻ nói với tờ The New York Times rằng, ông bắt đầu cảm thấy lo ngại khi nhìn thấy bác sĩ Ghanghro dùng lại kim tiêm đã qua sử dụng và khi đặt câu hỏi thì bác sĩ này tỏ ra khó chịu. “Nếu anh không muốn điều trị chỗ tôi, anh hãy đến gặp bác sĩ khác”, bác sĩ Ghanghro nói với ông Jalbani, đồng thời nhắc thêm rằng chi phí điều trị giá rẻ không bao gồm ống kim tiêm mới.
Được biết, bác sĩ Ghanghro là người đã điều trị cho 6 đứa con của ông Imtiaz Jalbani. Vào thời điểm phỏng vấn, bốn trong số sáu đứa con của ông đã bị nhiễm HIV và hai người con út 14 tháng tuổi và 3 tuổi đều đã không thể qua khỏi.
Hiện bác sĩ Ghanghro đã bị cảnh sát buộc tội sơ suất, ngộ sát gây ra thiệt hại ngoài ý muốn. Tuy nhiên, vị bác sĩ này vẫn tại ngoại và vẫn khẳng định với tờ New York Times khi được phỏng vấn rằng mình vô tội và chưa bao giờ sử dụng lại ống tiêm cũ.
Sau nhiều tháng điều tra, các quan chức y tế cho biết ngoài những trường hợp lây nhiễm HIV qua phòng khám của bác sĩ Ghanghro, HIV còn lây lan qua nhưng con đường khác do lối sống kém vệ sinh, đặc biệt là ở khu vực nghèo như Ratodero. Chẳng hạn như việc nhiều thợ cắt tóc tái sử dụng dao cạo hoặc các nha sĩ còn sử dụng dụng cụ nha khoa mà không qua khử trùng vệ sinh.
“Nếu các bác sĩ, thợ cắt tóc và nha sĩ lang băm không được kiểm tra, số lượng các sự cố nhiễm HIV có thể sẽ tiếp tục tăng”, bác sĩ Imran Akbar Arbani lưu ý với The New York Times. Ông còn tiết lộ rằng kể từ ngày 25/4 đến nay, đã có 35 trẻ em trong số 900 trẻ nhiễm bệnh đã tử vong.
Pakistan được coi là quốc gia có tỉ lệ nhiễm HIV thấp nhưng căn bệnh này đang lây lan nhanh ở mức đáng báo động tại nước này, đặc biệt với những người tiêm chích ma túy và gái mại dâm. Và có lẽ, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV là những hành vi sử dụng không an toàn khá phổ biến ở đất nước này. Pakistan có khoảng 20.000 ca nhiễm HIV vào năm 2017 và được Liên Hiệp Quốc xác định là quốc gia có tỉ lệ nhiễm HIV tăng nhanh thứ hai châu Á.