90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế

(PLVN) - Tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số - thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại phiên họp của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020…, diễn ra chiều 22/10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nhấn mạnh, BHXH, BHYT là trụ cột trong mạng lưới an sinh xã hội của nước ta, nên lần này Ủy ban Thường vụ QH đề xuất Chính phủ có báo cáo trình ra QH, có báo cáo thẩm tra, thảo luận tại QH. Đánh giá chất lượng các báo cáo rất tốt, báo cáo thẩm tra kỹ lưỡng, rõ ràng với nhiều ý kiến cụ thể, Chủ tịch QH tin tưởng, sau kỳ họp này, công tác quản lý Quỹ BHXH, Quỹ BHYT sẽ đi vào nề nếp hơn.

Đồng tình với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch QH cũng chỉ ra rằng, đối với BHXH, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng, trình QH ban hành Luật BHXH (sửa đổi) kèm theo đó là Luật Việc làm.

Theo Chủ tịch QH, nếu sửa luật sớm thì sẽ quản lý được tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần. “Hiện nay, chúng ta quy định 20 năm đóng mới được hưởng chế độ hưu trí trong khi điều kiện rút 1 lần lại rất dễ dàng. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) nêu rõ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Nhu cầu hưởng BHXH một lần là chính đáng, là thực tế khách quan của người lao động. Nếu rút ngắn thời gian đóng, đồng thời thay đổi cả điều kiện để được hưởng thì chắc chắn người lao động sẽ tham gia, ở lại trong hệ thống bảo hiểm nhiều hơn, tránh được tình trạng phát triển mới được 10 phần thì số rút ra lại đến 7, 8 lần”, Chủ tịch QH nói.

Dẫn chứng việc một số lĩnh vực bảo hiểm ngắn hạn có số dư khá lớn như Quỹ BHTN, Chủ tịch QH đề nghị rà soát lại quy định về mức đóng và phạm vi chi trả. “Nếu kết dư nhiều có thể do quy định mức đóng còn cao hoặc mức chi, phạm vi chưa thực sự đầy đủ nên cần rà lại về mức đóng và mức chi cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách cũng như khả năng của người dân để mức kết dư hàng năm phù hợp”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Về BHYT, Chủ tịch QH cho rằng cần làm rõ hơn về việc điều chỉnh mức đóng, cụ thể là Chính phủ phải tăng mệnh giá BHYT. Dẫn chứng bình quân mức đóng BHYT của Việt Nam thấp hơn nhiều các nước, Chủ tịch QH cho rằng cần nâng mức đóng này lên mới có điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế, các cơ sở khám chữa bệnh có điều kiện hơn để trang bị thêm hệ thống thiết bị, chăm lo cho đội ngũ y bác sỹ, chất lượng chăm sóc sức khỏe tốt hơn, người dân được hưởng.

Đọc thêm