Ác mộng từ những lớp học 'im lặng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu việc bạo lực học đường “nóng” là những nắm đấm, cái tát, lời nói khó nghe, có thể được xoa dịu bằng tình yêu thương, bảo vệ từ những người xung quanh, thì việc bạo lực học đường “lạnh” như bị cô lập, tẩy chay đã trở thành “tấm màn ngụy trang” khó có thể phát hiện.
Bạo lực học đường bằng cách cô lập, tẩy chay nguy hiểm không kém việc dùng vũ lực. (Ảnh minh họa, nguồn: UNICEF)
Bạo lực học đường bằng cách cô lập, tẩy chay nguy hiểm không kém việc dùng vũ lực. (Ảnh minh họa, nguồn: UNICEF)

Người vô hình trong lớp học

Theo một nghiên cứu khoa học do Trung tâm nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn chỉ ra các hành vi bạo lực học đường bao gồm bắt nạt, đánh nhau, đe dọa, thậm chí là quấy rối tình dục. Nhưng chưa có một nghiên cứu nào về sự im lặng, cô lập và tẩy chay cũng là hành vi bạo lực học đường nghiêm trọng.

Em Phạm Song Toàn, cựu học sinh lớp 11A1 – Trường THPT Long Thới (TP HCM) đã từng bật khóc trong buổi gặp gỡ giữa học sinh với Sở GD-ĐT, vì giáo viên dạy môn Toán, cô Trần Minh Châu đã im lặng trong suốt ba tháng dạy học. Cho thấy, đôi khi sự im lặng và lạnh lùng cũng căng thẳng, nặng nề không kém những lời đe nẹt, dọa nạt.

Sự im lặng của một giáo viên đối với cả lớp, đã làm các em lo lắng, hoang mang. Vậy thì, một cá nhân gặp phải sự tẩy chay của tập thể lớp sẽ khiến các em sợ hãi như thế nào? Còn điều gì đáng sợ hơn, khi mỗi buổi sáng bước vào lớp, đối diện với một học sinh là bầu không khí im lặng và ánh nhìn lạnh lùng của bạn bè. Tiếng xì xào, thầm thì bàn tán sau lưng em, nhưng khi quay lại, chỉ là không gian câm lặng và những đôi mắt thiếu thiện cảm.

Trong chương trình “Điều con muốn nói”, Cẩm Hà – một học sinh lớp bảy đã chia sẻ việc bị các bạn trong lớp cô lập. Cụ thể, lớp của Cẩm Hà có năm mươi hai học sinh, nhưng chỉ có hai người nói chuyện với em. Còn những học sinh khác đều ngó lơ, không trả lời khi Hà hỏi bài hoặc tìm cách trò chuyện. Thậm chí, dù Cẩm Hà cố gắng mua quà, thỏa hiệp, nhưng vẫn không thay đổi được mọi chuyện. Từ một cô bé năng động, hoạt bát, vui vẻ, Cẩm Hà dần trở thành người “vô hình”, trầm lặng trong lớp học.

Bạo lực học đường được diễn ra bằng nhiều cách thức khác nhau, có thể đánh đập, sử dụng ngôn từ xúc phạm của một tập thể đối với cá nhân. Nhưng, hiện nay, để tránh bị phụ huynh, giáo viên và xã hội phát hiện, lên án. Các em học sinh có những hình thức bắt nạt “tinh vi” hơn rất nhiều. Đó là cô lập, không chơi chung, không nói chuyện ở trên lớp. Khiến cho “nạn nhân” căng thẳng, bức bối, những học sinh bị bắt nạt không khác nào đang ở trong nhà tù, nơi bạn học xa lánh, hắt hủi các em. Thậm chí, các học sinh còn lôi kéo nhau và những người ở lớp khác “tẩy chay” đối tượng mà mình ghét. Nặng nề hơn, ở đằng sau, “những kẻ bắt nạt” sẽ thành lập nhóm chat, group trên mạng Facebook, Zalo để nói xấu, hạ nhục đối tượng mà các em không thích. Theo số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016 lên 18% vào năm 2020.

Đó là trường hợp của em N.T.N, mười ba tuổi, sinh sống tại Long An đã uống thuốc trừ sâu để tự tử. May mắn, gia đình kịp thời phát hiện và đưa em đến bệnh viện cứu chữa. Cha của em học sinh cho biết, N là lớp phó học tập, do có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp, N bị tẩy chay, cô lập, và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội Facebook. Em đã ngất xỉu một lần trong trường vì áp lực và do bị bắt nạt. Đỉnh điểm, việc tẩy chay liên tục tiếp diễn nên em nghĩ quẩn tìm đến thuốc diệt cỏ để tự tử.

Gia đình, nhà trường cần giáo dục thấu cảm và rèn luyện kỹ năng giúp học sinh đương đầu với bạo lực học đường. (Ảnh minh họa, nguồn: Eltimes.vn)

Gia đình, nhà trường cần giáo dục thấu cảm và rèn luyện kỹ năng giúp học sinh đương đầu với bạo lực học đường. (Ảnh minh họa, nguồn: Eltimes.vn)

Lời cầu cứu trong tuyệt vọng

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD - ĐHQG Hà Nội) đã từng nói: “Có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc mà có thể gọi tên là bạo lực lạnh”.

Nói về bạo lực học đường, không thể phủ nhận trách nhiệm của người lớn. Rất nhiều phụ huynh, giáo viên nghĩ, bạo lực học đường chỉ nghiêm trọng khi có sự góp mặt của vũ lực, những nắm đấm và sự hành hạ về mặt thể xác. Họ cho rằng việc con trẻ mâu thuẫn với nhau là chuyện bình thường. Thậm chí, có nhiều giáo viên dù biết học sinh trong lớp bị bắt nạt, nhưng vẫn không can thiệp và gián tiếp ngầm ủng hộ.

Gần đây, trong vụ việc nữ sinh lớp 10 ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An), khi bị các bạn trong lớp bắt nạt, cô lập, em đã nhờ đến sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường. Nhưng nhận lại là sự thờ ơ của cô giáo, thậm chí là cả thầy hiệu trưởng. Mẹ nữ sinh đau lòng chia sẻ với báo chí, truyền thông, khi vụ việc con gái chị tự tử lan rộng, được mọi người quan tâm, chú ý. Thầy hiệu trưởng gửi lời xin lỗi gia đình, nói rằng không nhớ đã gặp chị, dù chị đã hai lần lên gặp thầy để nói về vấn đề của con.

Nhưng không chỉ phụ huynh, mà xã hội ngày nay, cũng có những người bàng quan trước vấn nạn bạo lực học đường. Bởi vì đấy không phải là người thân của họ, nên họ chẳng những không quan tâm mà còn nói những câu lạnh lùng như: “Nếu bị đa số mọi người ghét, thì nên xem xét lại bản thân”.

Nhưng sự thực phần lớn các em học sinh tham gia bắt nạt hoặc là nạn nhân của bạo lực học đường đang trong độ tuổi dậy thì. Đó là khoảng thời gian, mà tâm sinh lý của các em có nhiều biến đổi. Ngay cả mối quan hệ với gia đình, tình cảm bạn bè của các em cũng rất khác, thậm chí phi logic so với người lớn. Như một khảo sát tại các trường học đã chỉ ra, việc bạo lực học đường đôi khi đến từ những lý do “lãng xẹt” tới mức khó tin, từ việc ghen tị do bạn học giỏi, xinh đẹp. Cho đến việc ở bẩn, học kém, quá béo, quá xấu,… Đặc biệt, bất kỳ ai, cũng có thể là nạn nhân của bạo lực học đường, từ cán bộ lớp, đến học sinh giỏi, học sinh yếu kém, những em có điều kiện gia đình tốt, hay những em trong diện khó khăn.

Những học sinh bị bắt nạt cũng không hề im lặng, rất nhiều em tìm đến sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn bè. Nhưng đáp lại, là sự vô tâm, thờ ơ vào khoảng thời gian các em cần giúp đỡ nhất. Chỉ đến khi sự việc xảy ra quá nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả thương tâm. Thì người lớn mới vào cuộc, bàn bạc, thảo luận tìm cách giải quyết. Nhưng đến lúc đó, những học sinh phải gánh chịu cả một năm hoặc thậm chí vài năm bị bắt nạt từ chính bạn bè của mình, đã không thể chờ đợi được nữa.

Cần những giải pháp thực tế

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên – Trưởng khoa Khám Tâm lý – Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần HCM chia sẻ, các em học sinh đang trong giai đoạn phát triển, hình thành nhân cách nên nếu là nạn nhân của những lời lẽ thóa mạ, lăng nhục do bạo lực học đường, bạo lực mạng xã hội sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm sinh lý. Thậm chí, nếu không vượt qua được, có thể đẩy các em đến những hậu quả tiêu cực. Thực tế, theo Nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội (2021) cho thấy tỷ lệ tự tử trong lứa tuổi vị thành niên đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Cụ thể, ở tuổi 15-19 tăng từ 1,8% vào năm 2015 và lên 2,5% vào năm 2021.

Muốn giảm thiểu tỷ lệ bạo lực học đường, đầu tiên phải giúp học sinh tự ý thức được về hành động, cũng như hạn chế cái tôi để có thể chấp nhận, chung sống với sự khác biệt của những cá nhân khác. Giống như PGS.TS Trần Thành Nam – Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội) đã cho biết, giáo dục thấu cảm giúp phòng ngừa, dừng hành vi bắt nạt một cách bền vững. Còn nếu phạt, đuổi kẻ bắt nạt đi, thì chỉ chuyển nguồn bạo lực từ chỗ này sang chỗ khác, bởi sẽ có một nhóm sẵn sàng “a dua” lên thay thế.

Đặc biệt, cha mẹ, thầy cô không thể bảo vệ các em mọi lúc, mọi nơi. Cho nên chính mỗi gia đình, cần dạy con kỹ năng mềm, khả năng tự bảo vệ, dũng cảm trước bạo lực học đường. Có thể, chỉ đơn giản như chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Chuyên môn Trung tâm GDĐB Diệp Quang đưa ra lời khuyên khi con cái bị bắt nạt, cha mẹ không nên đổ lỗi trách móc mà cần khuyến khích, động viên để con dũng cảm chia sẻ câu chuyện và tìm hướng giải quyết.

Đọc thêm