Theo báo cáo, các chỉ số phát triển bền vững gồm: môi trường (E), xã hội (S) và quản trị doanh nghiệp (G); trình bày dựa trên tham chiếu theo các Tiêu chuẩn công bố thông tin do Ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Báo cáo Phát triển bền vững hiện là một trong những công cụ giá trị của doanh nghiệp nhằm thể hiện năng lực cạnh tranh, khả năng sáng tạo, đáp ứng các xu hướng phát triển mới, đồng thời cải thiện mô hình, chiến lược hoạt động để trở nên nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh mới mà không bỏ qua các yêu cầu ngày càng cao đối với yếu tố bền vững. Do đó, việc một doanh nghiệp phát hành báo cáo Phát triển bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính và các bên hữu quan.
Thông qua việc báo cáo một cách minh bạch và có trách nhiệm theo 18 Tiêu chí của Tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), Báo cáo Phát triển bền vững 2022 của ACB bao gồm các thông tin liên quan đến định hướng, cách tiếp cận đối với các vấn đề về phát triển bền vững, phương thức quản trị các lĩnh vực trọng yếu và kết quả ACB đã đạt được. Báo cáo ghi nhận các dự án, các cải tiến hệ thống, các sản phẩm dịch vụ xét trên các khía cạnh môi trường và xã hội có thể nâng cao hiệu quả, mang đến lợi ích cho hoạt động kinh doanh của ACB.
Theo đại diện ngân hàng ACB, cam kết về phát triển bền vững nhận được sự đồng lòng từ 93% nhân viên. Cam kết này lồng ghép vào chiến lược của nhà băng, bao gồm tăng trưởng đều đặn đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, nâng cao trải nghiệm khách hàng, duy trì môi trường làm việc có sức hút, giữ chân nhân tài.
Đồng thời, với mục tiêu hướng tới Net Zero, ACB hiện đang quyết tâm và nỗ lực thực hiện những hành động xanh, làm thay đổi nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường và lan tỏa các hoạt động này đến khách hàng, đối tác, cổ đông và cộng đồng. Một trong các kế hoạch tiêu biểu mà ACB đang triển khai là thực hiện thu gom 300 tấn rác nhựa trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2025.
Đại diện ACB cho biết: “Ngân hàng đang thực hiện tích hợp các yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh với mong muốn góp phần gìn giữ một môi trường sống tốt hơn cho thế hệ mai sau thông qua kinh doanh bền vững và sự trân trọng đối với môi trường và xã hội. Từ đó, chúng tôi cũng có tham vọng rằng mô hình ESG của ACB sẽ là nguồn cảm hứng để khuyến khích các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng cùng thực hành ESG”.
Theo đơn vị, phát triển bền vững sẽ là một báo cáo thường niên quan trọng của ngân hàng, bảo đảm các kết quả hoạt động ESG được theo dõi, giám sát thực hiện và đánh giá thường xuyên. Ngân hàng đang xây dựng nguồn lực đủ năng chuyên môn và thực thi ESG theo yêu cầu mới, chủ động nắm bắt nhiều cơ hội phát triển hơn.
Bên cạnh việc tiên phong thực hiện ESG, ACB cũng chú trọng đến hoạt động kinh doanh hiệu quả. Với kết quả kinh doanh 9 tháng vừa được công bố mới đây, ACB là nhà băng tư nhân hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 15.000 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lũy kế năm 2023 và vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất thị trường. Mức sinh lời của ACB hiện thuộc tốp cao nhất thị trường, với ROE ở mức 24,5%.