ACB: Lợi nhuận 9 tháng 2023 đạt hơn 15.000 tỷ đồng

(PLVN) - Kết quả kinh doanh 9 tháng vừa được ACB công bố cho thấy, ACB duy trì sự tăng trưởng ổn định, với CASA trên đà tăng khôi phục, tối ưu trong quản lý chi phí và tăng cường kiểm soát rủi ro.
ACB lãi hơn 15.000 tỷ đồng sau 9 tháng.

Duy trì tăng trưởng ổn định, CASA hồi phục

Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, ACB bám sát mục tiêu đề ra, đạt hơn 15.000 tỷ lợi nhuận trước thuế, tương đương 75% kế hoạch lợi nhuận năm. Riêng lợi nhuận ACB quý III/2023 đạt hơn 5.000 tỷ đồng, ghi nhận sự tăng trưởng so với quý 2 vừa qua cũng như so với quý 3 cùng kỳ năm 2022. Thu nhập ngoài lãi tăng 45% so với cùng kỳ đã góp phần giúp ACB tăng trưởng lợi nhuận.

Trong đó, mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư tiếp tục đóng góp lớn vào thu nhập giúp đưa tỷ trọng thu nhập ngoài lãi lên 23% trong tổng doanh thu, cao hơn so với cùng kỳ (18%).

Với tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm đạt 7,6%, ACB tiếp tục vượt hơn trung bình ngành (~ 6%) từ đó giúp gia tăng thị phần huy động. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn liên tục được cải thiện, tăng trưởng tốt trong quý 3 và đã phục hồi so với mức đầu năm.

Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay của riêng ngân hàng ghi nhận mức tăng 8,2% so với đầu năm, cao hơn so với tăng trưởng toàn ngành (~ 6,9%). Bên cạnh đó, hoạt động cho vay của công ty chứng khoán ACBS phục hồi khi dư nợ tăng gấp đôi so với cuối năm 2022. Kết quả chung cho thấy tăng trưởng tín dụng của toàn tập đoàn ACB lên 8,7% so với đầu năm, đạt 450.000 tỷ.

Kiểm soát rủi ro chặt chẽ

Hiện mảng bán lẻ chiếm tỷ trọng hơn 93% danh mục cho vay của ACB và ngân hàng không tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp, cho vay kinh doanh bất động sản,…

Đồng thời, ACB cũng thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát và xử lý nợ xấu trong hoạt động để ngăn ngừa rủi ro.

Nhờ vậy, dù trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành nói chung và tại ACB nói riêng có xu hướng tăng lên (1,2%), ACB vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất thị trường.

Nhìn chung, rủi ro về chất lượng tài sản đối với ACB tương đối thấp do không sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ nợ xấu thấp và chiến lược thận trọng.

Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ tiếp tục tăng trưởng bền vững trong quý III. Cuối tháng 9/2023, tỷ lệ này đạt 12,8%, vượt xa mức quy định tối thiểu, luôn đảm bảo trong vùng an toàn ngay cả trong điều kiện căng thẳng.

Trong quý II/2023, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã công bố cập nhật bảng xếp hạng CAMEL (một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của ngân hàng), theo đó, ACB giữ top đầu bảng cùng với Vietcombank, khẳng định năng lực quản trị rủi ro hiệu quả của ngân hàng trước những biến số của thị trường.

Hoạt động hiệu quả, đồng hành cùng khách hàng

Tính đến tháng 9/2023, ACB vẫn đảm bảo mức sinh lời thuộc top cao nhất thị trường, với ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) ở mức 24,5%.

Bên cạnh đó, ACB kiểm soát chi phí hoạt động một cách hiệu quả, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 trong khi doanh thu tăng trưởng 17%. Nhờ đó tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) được cải thiện còn 32%, giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Mới đây, đại diện ACB cho biết, đã giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, hiện đang triển khai tiếp tục gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khó khăn, tạo nguồn cung ứng vốn cần thiết cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm đồng thời tích cực đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp từ NHNN.

Đối với khách hàng cá nhân, ACB hiện có gói tín dụng có mức lãi suất vay ưu đãi khoảng 7 – 8%/năm nhằm gia tăng tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, ACB còn thực hiện áp dụng mức lãi suất 9%/năm cố định trong thời gian 2 năm đầu.

Đọc thêm