Agribank đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao

(PLVN) - Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bức tranh toàn diện đó, Agribank - với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu đầu tư cho “Tam nông”, đã và đang khẳng định vị thế tiên phong trong việc cung ứng nguồn vốn, giải pháp tài chính và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Đồng hành cùng người nông dân hiện thực hóa khát vọng xanh

Agribank luôn dành hơn 65% tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó tỷ trọng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng. Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016 đến nay.

Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt trên 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...).

Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều người dân đã hiện thực hóa được mơ ước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trên chính mảnh đất quê hương. Đến vùng đất Đức Hòa - Long An vào một ngày nắng gió như thường lệ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy khu vườn rau xanh mướt trong nhà màng hiện đại - khung cảnh thường chỉ thấy ở những vùng khí hậu mát mẻ, gió mưa thuận hòa. Mô hình trồng rau thủy canh với doanh thu tiền tỷ của anh Lê Văn Dể là minh chứng cho sự kiên trì, sáng tạo và vai trò "tiếp sức" của dòng vốn ngân hàng.

Agribank đồng hành cùng nông dân thực hiện khát vọng xanh

Anh Lê Văn Dể, từng là công nhân kỹ thuật làm việc tại Nhật Bản, năm 2010, anh sang Nhật theo diện thực tập sinh, làm bảo trì thiết bị nhà máy cho một công ty sản xuất thép. Trong thời gian đó, anh có cơ hội tham quan nhiều trang trại và ấn tượng với công nghệ trồng rau thủy canh hiện đại - nơi mọi thông số kỹ thuật được kiểm soát tự động, sạch sẽ và tiết kiệm tài nguyên. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản: Nếu công nghệ này mang lại rau sạch cho người Nhật, sao mình không mang về Việt Nam áp dụng? Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu, học hỏi từng chút một”, anh nhớ lại.

Sau hơn một thập kỷ tích lũy kinh nghiệm, anh quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh tại Việt Nam. Ban đầu, anh thử nghiệm mô hình tại Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), sau đó chuyển về ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, Đức Hòa. Hiện tại, mô hình của anh Dể có 5 nhà màng trồng rau, mỗi nhà rộng 6m, dài 20m. Trong đó có một nhà được bố trí để ươm cây giống, 4 nhà còn lại dành cho canh tác chính.

Mỗi ngày, anh thu hoạch từ 50 - 70 kg rau xà lách, chủ yếu theo đơn đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ. Chu kỳ sản xuất được xoay vòng liên tục (cuốn chiếu), đảm bảo không đứt nguồn cung. Hiện vườn rau đã đạt chứng nhận VietGAP và đang hướng tới đăng ký các tiêu chuẩn OCOP, GlobalGAP trong thời gian tới.

Để hiện thực hóa mô hình này, anh Lê Văn Dể đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng, trong đó có 300 triệu vay từ ngân hàng. “Tôi được ngân hàng hỗ trợ rất nhanh. Thủ tục vay theo hình thức thế chấp, có sổ đất, phương án kinh doanh rõ ràng là được duyệt. Từ lúc hoàn tất hồ sơ đến lúc giải ngân chỉ mất 1-2 ngày,” anh chia sẻ.

Anh cho biết thêm, việc tiếp cận vốn vay dễ dàng là yếu tố quan trọng giúp anh mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng, thiết bị dinh dưỡng và bơm tự động. “Với nông dân, dòng vốn đến đúng lúc chẳng khác nào tiếp thêm oxy để bắt đầu một hành trình dài. Tôi làm kỹ thuật, nên tôi tin vào con số, tin vào máy móc và tôi tin nếu làm bài bản, rau Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường”, anh nói.

Thời gian tới, anh dự kiến đầu tư thêm khoảng 300 triệu đồng để mở rộng hệ thống nhà sơ chế, kho bảo quản và đóng gói, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn từ thị trường, và Agribank tiếp tục đồng hành cùng anh trong những dự án đầu tư tiếp theo.

Câu chuyện của anh Lê Văn Dể là hành trình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và là hành trình chuyển mình của lao động kỹ thuật - từ người làm thuê ở nước ngoài đến người chủ mô hình nông nghiệp xanh tại quê nhà. Dù hành trình ấy còn nhiều thử thách, gian nan, nhưng với sự đồng hành của ngân hàng, cùng tinh thần cầu tiến, sáng tạo - “ông chủ rau thủy canh” ở Lộc Hòa đang từng bước biến mảnh đất quê hương thành khu vườn của màu xanh hy vọng và phát triển bền vững.

Trên thực tế, nhiều dự án quy mô lớn do Agribank cấp vốn đã tạo nên dấu ấn, có thể kể đến một số dự án lớn Agribank đã đầu tư như: Dự án nhà máy chế biến rau quả thực phẩm, nông sản xuất khẩu tại An Giang, Vĩnh Long; các Dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận; Dự án chế biến và kinh doanh lúa gạo tại Tỉnh Đồng Tháp; Các Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại Tỉnh Hà Nam; Các Dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang. Những dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Agribank tiếp tục kiên định sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng hành cùng Chính phủ, người dân và doanh nghiệp xây dựng một nền nông nghiệp xanh, an toàn, hiệu quả và bền vững.

Đọc thêm