Sống để đóng góp cho quê hương, ông Hà Ngọc Quý (SN 1957, ngụ bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vào năm 2000 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tìm lối thoát nghèo
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái nghèo khó đông anh em, từ nhỏ ông Quý đã phải cùng gia đình lo kế mưu sinh. Năm 1980, chàng trai được nhận vào làm kế toán HTX nông nghiệp, rồi nhân viên thống kê kế hoạch, văn phòng HĐND - UBND xã, phó chủ tịch, trưởng công an xã, chủ tịch UBND, bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã...
Tân Lập vốn là xã thuần nông vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn của huyện Mộc Châu, trước đây hàng năm thường thiếu đói 3-4 tháng. Là người con của bản, ông Quý hiểu rằng, mình phải là người gương mẫu đi trước làm trước, bà con mới tin và làm theo. Ông trực tiếp đi tìm hiểu các giống ngô, lúa có năng suất cao ở miền xuôi đem về trồng thí điểm, cho kết quả cao gấp 4-5 lần so với giống ngô lúa địa phương. Sản xuất có hiệu quả, ông nhân giống cho bà con cùng gieo trồng.
Từ đó phong trào dùng giống mới cho năng suất cao đã được toàn xã thực hiện đại trà. Tân Lập chẳng những ổn định lương thực mà nhiều hộ còn dư hàng chục tấn ngô bán ra thị trường mỗi năm.
Thời tiết vùng Tân Lập mây mù ẩm ướt quanh năm, gây khó khăn cho khâu bảo quản, ngô thường hay bị mốc, hỏng, mất giá; ông Quý tiếp tục về miền xuôi học phương pháp sấy ngô. Năm 1998, ông xây lò sấy ngô đầu tiên tại xã với công suất 10 tấn/ngày, vừa bảo quản ngô gia đình, vừa phục vụ nhân dân địa phương. Thành công này tiếp tục được nông dân hưởng ứng, nhiều hộ học làm theo.
Tân Lập từng là vùng đất trồng chè lâu đời, ở bản Dọi hiện còn nhiều cây chè cổ thụ, nhưng đến năm 1990, do thị trường Đông Âu biến động, chè sản xuất ra không tiêu thụ được, nông dân chặt chè trồng cây khác. Trước tình hình đó, với vai trò Chủ tịch xã, ông Quý tích cực vận động nhân dân khôi phục cây công nghiệp chè trên địa bàn. Qua nhiều trăn trở, nghiên cứu, ông Quý quyết định vay vốn ngân hàng mua giống hạt chè về phân phối cho bà con và tiên phong nhận trồng 1ha chè. Từ đó, nhân dân tin tưởng, yên tâm làm theo. Năm 2000 toàn xã trồng được 50 ha chè shan tuyết chất lượng cao; năm 2003 thực hiện dự án tái định cư (TĐC) thuỷ điện Sơn La, được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã trồng thêm 190ha, đưa tổng diện tích chè toàn xã lên 240ha.
Năm 2004, khi diện tích chè khôi phục và trồng mới đã cho thu hoạch nhưng không có đơn vị bao tiêu sản phẩm vì sản lượng còn ít, đường vào xã chỉ đi lại được mùa khô. Lo lắng dân mất lòng tin với cây chè, một lần nữa ông Quý đứng ra thành lập HTX sản xuất kinh doanh chè, tổ chức thu mua chế biến. Năm 2008, HTX thực hiện giải pháp liên doanh với DN bao tiêu sản phẩm, Cty chè Tân Lập được thành lập, chuyên sản xuất chè chất lượng cao, xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài.
Đến nay, xã có 2 nhà máy chè, công suất 700 tấn/năm; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan hơn 100 tấn chè khô/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Theo một đánh giá, nếu không có những đóng góp của ông Quý thì sản phẩm chè Tân Lập không thể có được chất lượng, uy tín vươn tới các thị trường nước ngoài khó tính như ngày nay.
Gương mẫu “đứng mũi chịu sào”
Từ 1997 - 2004, xã tiếp nhận hàng trăm hộ đồng bào di dân TĐC thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La về xã. Từ 1.000 hộ sở tại ban đầu, đến nay đã tăng lên hàng nghìn hộ mà quỹ đất đai không tăng. Đặc biệt, thời điểm thực hiện dự án di dân TĐC thuỷ điện Sơn La, chưa có chính sách đền bù cụ thể, vừa làm vừa xây dựng chính sách. Với trách nhiệm là cán bộ, đảng viên, Chủ tịch UBND xã, ông Quý gương mẫu giao 1,5ha đất canh tác hằng năm của gia đình mình cho dự án mà không đòi hỏi đền bù, tạo động lực thúc đẩy người dân làm theo.
Kết quả, chỉ trong vài tháng, nhân dân toàn xã đã giao xong 500ha đất cho Nhà nước, góp phần thực hiện dự án TĐC mẫu của tỉnh hoàn thành đúng tiến độ.
Trước đây, xã có một số bản đồng bào người Mông còn khá nhiều hủ tục lạc hậu như thách cưới, tảo hôn, mê tín dị đoan, cúng bái khi đau ốm, để người chết lâu ngày trong nhà ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe... Trước tình hình đó, ông Quý một lần nữa tiên phong “đứng mũi chịu sào” cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, phân tích cái lợi cái hại, tiến tới xóa bỏ các thói quen sinh hoạt không tốt, vận động bà con xây dựng đời sống văn hoá mới.
|
Xã Tân Lập ngày nay đang ngày càng phát triển, trong đó có sự đóng góp của ông Quý. |
Có những thời điểm một số người ở Tân Lập giữ thói quen trồng cây thuốc phiện, nghiện hút, phát sinh tệ nạn xã hội, gây mất ổn định an ninh trật tự. Có thời điểm người nghiện ma tuý của xã lên đến hơn 200 người, nhiều điểm buôn bán ma tuý. Song nhờ chỉ đạo triển khai quyết liệt của ông Quý với những giải pháp đồng bộ, thuốc phiện đã bị triệt phá, thay thế bằng cây ăn quả và cây chè. Đến nay trên địa bàn xã người nghiện gần như không còn, hầu hết các bản trong xã đều được công nhận đạt chuẩn “4 không” về ma tuý.
Với những cống hiến đóng góp đó, nhiều năm liền ông Quý được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 1999 ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2000 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2005 được công nhận chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ông cũng Bộ Nội vụ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở.
“Muốn dân tin, mình phải làm trước”
Gần 40 năm công tác, trong đó có 15 năm làm Chủ tịch UBND xã, 10 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, đến 2015 ông về nghỉ hưu theo chế độ, nhưng nhiệt huyết vẫn rực cháy, sát cánh cùng bà con dân bản xây dựng cuộc sống mới ấm no. Ông đưa ra quan điểm “ly nông nhưng không ly hương”; bán hết nhà xây kiên cố, xưởng sơ chế bảo quản ngô hàng hóa ở trung tâm xã để về bản Hoa mua 5ha đất vườn đồi, đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng.
Hiện tại, 3 dãy nhà sàn với khuôn viên rộng thoáng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng đã đi vào hoạt động; con đường vào khu du lịch dài hơn 1km đã được bê tông hóa; hơn 1.000m2 ao cá gắn với du lịch sinh thái luôn có hàng tấn cá thịt phục vụ du khách; hơn 3ha vườn trại với 5.000 cây cam canh, quýt, nhãn, xoài… xen lẫn những luống chè xanh ngát đã cho thu hoạch. Hàng năm địa điểm này đón hàng trăm đoàn khách du lịch về thăm, nghỉ dưỡng.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiền mỗi năm thu lợi từ cổ phần ở Cty chè Tân Lập, ông đều dốc vào đầu tư khu du lịch để mở ra hướng làm ăn mới cho bà con học tập. Ông Quý nói: “Muốn bà con nghe và làm theo, mình phải làm trước; muốn bà con thoát nghèo thì mình phải thoát nghèo trước. Bà con giàu thì xã giàu, huyện, tỉnh cũng bớt nghèo. Đừng để dân phải tự mày mò, thất bại thì xót lắm”.
Từ mô hình kinh tế gia đình ông Quý, nhiều bà con ở các xã, bản lân cận đã đến thăm, học hỏi, làm theo, thu hiệu quả kinh tế cao. Ở bản Dọi đã có nhiều gia đình làm du lịch cộng đồng hiệu quả. Ở các bản Tà Phềnh, Nà Ka, Phiêng Cành… sau khi xóa bỏ cây thuốc phiện đã chuyển sang trồng cây ăn quả, tạo nên những thung lũng mận bạt ngàn hoa trái, được huyện chọn làm điểm tổ chức ngày hội hái quả hàng năm…
|
Sau khi ông Quý tích cực vận động nhân dân khôi phục cây chè, đến nay chè đã trở thành cây trồng chủ lực của Tân Lập. |
Đêm ở khu du lịch cộng đồng bản Hoa thật yên bình tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng gió trong lành se se lạnh luồn qua cửa sổ. Sáng sớm, dòng sông mây bồng bềnh trắng xóa từ dưới lòng hồ sông Đà cứ ùn lên rồi đọng lại phủ kín cả vùng chè mênh mông, mãi tận trưa mới chịu tan dần thấm vào kẽ lá tiếp sức cho cây trái sinh sôi. Ông Quý nói, với môi trường, khí hậu trong lành, quanh năm sương mù ẩm ướt, mát mẻ như Tân Lập thì việc đầu tư, phấn đấu đạt 100 triệu đồng trên một đơn vị diện tích theo chủ trương của tỉnh là không khó. Mục tiêu của Tân Lập là phấn đấu đạt 1 tỷ đồng/ha/năm; xã Tân Lập phải là một xã phát triển mạnh về cây chè xuất khẩu, là điểm đến du lịch của du khách thập phương.
Thông thường, một số người tới độ tuổi nào đó thường bằng lòng với thành quả của mình. Còn ông Quý thì lại khác, sau khi nghỉ hưu, vẫn chưa bao giờ bằng lòng với thành quả của mình, mà tiếp tục hy sinh, cống hiến, không phải để cho gia đình mà là tâm huyết tìm hướng phát triển xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Từ một xã nghèo, Tân Lập đã bứt phá trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả xã có 100% đường trục xã, trục bản, liên bản được cứng hóa; 15/15 bản, tiểu khu có nhà văn hóa, điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%...
Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập đánh giá: “Những thành quả đạt được như ngày hôm nay của xã có rất nhiều công lao đóng góp to lớn của ông Quý, là tấm gương để mọi người học tập, làm theo. Trước khi nghỉ hưu, ông Quý còn tranh thủ gửi đi đào tạo nguồn cán bộ trẻ cho xã với trên 90% cán bộ xã có trình độ đại học và hoàn thành nốt công tác quy hoạch đất đai cho xã để tránh những tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai”.
Ông Quý còn thường xuyên quan tâm đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Khi có mâu thuẫn tranh chấp nội bộ trong dân, ông thường tham gia giải quyết, giảng hoà giúp bà con sống hoà thuận, gắn kết. Năm 2020 ông được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm người uy tín của bản.