Ám ảnh đồng đội khóc trong nhà vệ sinh, tiền vệ Xuân Trường quyết thành 'ông chủ'

(PLVN) - Hơn một năm sau khi dính chấn thương nặng nhất sự nghiệp, Xuân Trường mở Trung tâm hồi phục chấn thương thể thao với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho các VĐV.
Xuân Trường trình bày về tý tưởng thành lập Trung tâm hồi phục chấn thương thể thao ở Việt Nam. Ảnh: IRC.

Hôm 7/3 vừa qua, Xuân Trường khai trương Trung tâm hồi phục chấn thương thể thao quốc tế (IRC) do anh làm đồng sáng lập. Tiền vệ quê Tuyên Quang là người đầu tiên trong làng thể thao Việt Nam khởi nghiệp với mô hình kinh doanh này, xuất phát từ nỗi ám ảnh chấn thương của bản thân và sự thấu hiểu các đồng nghiệp.

Xuân Trường không bao giờ quên ngày 30/9/2019 khi anh dính chấn thương trong buổi tập cùng tuyển Việt Nam chuẩn bị cho các trận đấu ở vòng loại World Cup 2022. Cầu thủ sinh năm 1995 tự ngã xuống khi đang di chuyển và không thể đứng dậy tiếp tục tập luyện. Sáng hôm sau, Xuân Trường được đưa đi kiểm tra y tế, kết quả anh bị đứt dây chằng chéo. Tiền vệ HAGL sau đó được đưa sang Hàn Quốc làm phẫu thuật và tập phục hồi ở đó trong vài tháng.

"Việc phải rời xa sân cỏ suốt 7 tháng là một trải nghiệm thật sự ám ảnh với tôi. Tôi từng nói rằng mình chỉ buồn có 5 phút thôi, nhưng trong 5 phút đó là hàng trăm suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu. 'Tối nay liệu có ngủ được không?', 'Mình sẽ làm gì trong suốt mấy tháng sắp tới?', 'Gia đình bạn bè sẽ phản ứng ra sao khi biết tin này?'... Nhưng điều khiến tôi trăn trở nhất có lẽ là việc sắp phải sang Hàn Quốc phẫu thuật và điều trị trong ít nhất 6 tháng. Và câu hỏi lặp đi lặp lại nhiều nhất với tôi đó là 'Tại sao không phải là Việt Nam nhỉ?'.

Tôi từng có thời gian gắn bó với đất nước Hàn Quốc, nhưng việc một mình vượt qua chấn thương sẽ là một điều rất khác khi phải đối đầu với đầy những khó khăn và sự cô đơn. Cho nên tôi luôn mong muốn có một nơi điều trị cho các VĐV chơi thể thao đạt chuẩn ngay tại Việt Nam, như vậy sẽ không phải đi xa để điều trị nữa", Xuân Trường nói về lý do anh muốn mở Trung tâm hồi phục chấn thương tại Việt Nam.

Xuân Trường cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến những người đồng đội, đồng nghiệp rơi vào hoàn cảnh tương tự, có người không lo được chi phí điều trị ở nước ngoài phải sớm chia tay sự nghiệp.

"Tôi cũng bị ám ảnh sâu sắc khi chứng kiến nhiều đồng đội bị chấn thương. Tuấn Anh từng phải sang Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc để điều trị, thương nhất là một mình tới Pháp ở tuổi 17 để phục hồi trong một thời gian rất dài. Khoản chi phí khổng lồ, cậu ấy may mắn có tài trợ nhưng nhiều người không có điều đó.

Tôi nghĩ đến Văn Thanh, từng khóc trong nhà vệ sinh khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Trong khi các đồng đội thi đấu, anh ấy phải ở tận Hàn Quốc điều trị chấn thương. Không chỉ cầu thủ bóng đá mà các VĐV của nhiều môn thể thao khác cũng dễ gặp chấn thương trong quá trình tập luyện hay thi đấu. Nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn hay không tìm được nhà tài trợ để ra nước ngoài điều trị nên đã phải giã từ sự nghiệp dù vẫn đang trên đỉnh cao. Điều đó thật đáng tiếc. Vì thế, tôi không cho phép mình ngồi yên được nữa, phải hành động một cách thật sự, phải quyết tâm chuyển hóa ý tưởng thành hành động", Xuân Trường chia sẻ thêm.

Xuân Trường thấu hiểu cảm giác của Văn Thanh khi điều trị chấn thương ở Hàn Quốc bởi đã trải qua điều tương tự. Ảnh: IRC.

Xuân Trường thấu hiểu cảm giác của Văn Thanh khi điều trị chấn thương ở Hàn Quốc bởi đã trải qua điều tương tự. Ảnh: IRC.

Sự quyết tâm, định hướng rõ ràng và rất nhân văn của Xuân Trường đã thuyết phục được bạn bè và những chuyên gia tầm cỡ tham gia dự án này. Đội ngũ y tế của IRC quy tụ những chuyên gia hàng đầu về y học thể thao của Hàn Quốc và Việt Nam như bác sĩ Choi Ju-young, Nguyễn Trọng Hiền, Trần Anh Tuấn...

Việc cầu thủ lấn sân kinh doanh khi đang còn thi đấu đỉnh cao không phải chuyện hiếm trong làng bóng đá Việt Nam hiện nay. Ngay tại HAGL, những cầu thủ như Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều...đều đang theo đuổi nghề tay trái từ mở quán cafe, nhà hàng tới kinh doanh thời trang... Xuân Trường không đi theo con đường của các đồng đội mà lựa chọn kinh doanh dịch vụ y tế thể thao. Đây là dự án được đánh giá rất thiết thực, đánh đúng vào nhu cầu và tình hình thực tế ở Việt Nam. Điều này cho thấy tầm nhìn của tiền vệ người Tuyên Quang, phù hợp với sở trường và tính cách của anh.

Xuân Trường trước nay vẫn được biết đến là chàng trai hiền lành, chu đáo, tỉ mỉ và rất tâm lý. Tiền vệ sinh năm 1995 có phong thái đĩnh đạc, mang những tố chất của một thủ lĩnh trên sân cỏ và lãnh đạo trong tương lai. Sau mỗi thất bại của HAGL hay tuyển Việt Nam, người hâm mộ thường thấy Xuân Trường tới ôm, động viên từng đồng đội.

Còn nhớ sau trận thắng 1-0 của tuyển Việt Nam trước Thái Lan tại King's Cup 2019 trên sân Chang Arena, trong khi đồng đội ôm nhau ăn mừng, Xuân Trường lặng lẽ an ủi các cầu thủ đối phương. Một chi tiết nhỏ nhưng cho thấy tầm vóc lớn của tiền vệ người Tuyên Quang.

Là người giỏi tiếng Anh nhất tại HAGL hiện nay, Xuân Trường đang được giao nhiệm vụ phiên dịch cho HLV Kiatisuk trong những buổi tập và họp báo của CLB. Bầu Đức cũng không giấu giếm ý định "quy hoạch" anh vào vị trí Giám đốc kỹ thuật của HAGL trong tương lai.

"Xuân Trường có tư chất của một nhà lãnh đạo, từ tướng mạo đến cách trao đổi công việc, tất cả đều thể hiện tố chất đó. Khi đá bóng ở Hàn Quốc hay Thái Lan, Xuân Trường luôn quan tâm đến vấn đề hợp đồng, từng chi tiết rất cụ thể. Đó là những tố chất cần thiết của một nhà quản lý, rất kỹ lưỡng, chắc chắn và nắm rõ yêu cầu. Từ sớm Trường đã tự trang bị kỹ năng cần thiết về ngoại ngữ. Trong khóa 1 Học viện HAGL JMG thì Xuân Trường là người giỏi ngoại ngữ nhất", Bầu Đức nhận xét về Xuân Trường.

Bản thân Xuân Trường cũng cho biết anh muốn làm một nhà quản lý thể thao sau khi giải nghệ. Việc mở trung tâm hồi phục chấn thương sẽ là trải nghiệm quý báu cho anh sau này. Tuy nhiên, trước mắt, Xuân Trường ưu tiên tập trung thi đấu, cống hiến cho HAGL và đội tuyển quốc gia.

Xuân Trường từng được xem là một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất của bóng đá Việt Nam. Quả Bóng bạc Việt Nam năm 2016 sở hữu nhãn quan chiến thuật, khả năng kiểm soát bóng, chuyền bóng tốt, đặc biệt là những đường chuyền dài vượt tuyến kiến tạo cho đồng đội. Tuy nhiên, tiền vệ người Tuyên Quang đã không còn là chính mình sau vòng chung kết U23 châu Á 2018 và ngày càng trượt dốc sau khi dính chấn thương hồi tháng 9/2019.

Điểm yếu của Xuân Trường hiện tại vẫn là sức bền thể lực và khả năng va chạm, tranh chấp bóng. Nếu không cải thiện được những điều này, sẽ rất khó để anh có thể cạnh tranh được vị trí ở tuyển Việt Nam với những Hùng Dũng, Tuấn Anh, hay Cao Văn Triền - cầu thủ được HLV Park đánh giá rất cao trong đợt tập trung đội tuyển hồi cuối năm ngoái.

* Tiêu đề do Báo PLVN đặt lại