Nhận bản án tử hình dành cho mình, Vi Văn Lún tâm sự rằng: “Tôi sợ bất kỳ tiếng động mở cửa nào lúc gần sáng. Và tôi đã thức trắng nhiều đêm như thế trong hơn 1 năm trời để chờ đợi tiếng động ấy qua đi mới có thể chợp mắt”.
“Bản không chồng”, nỗi ám ảnh của tù tội và ma túy
Cách đây hơn 1 năm, khi tôi đặt chân lên vùng đất phía Tây của tỉnh Điện Biên - xã Thanh Hưng - để viết bài “Nơi ám ảnh của tù tội và ma túy” mới thấy xót xa về một điểm nóng về tệ nạn này và cũng chứng kiến không biết bao nhiêu bi kịch gia đình tan nát bởi “nàng tiên nâu”.
Phạm nhân Vi Văn Lún. |
Nằm dọc biên giới giáp với nước bạn Lào, huyện Điện Biên là nơi thường xuyên tập trung các đối tượng mua bán ma túy với số lượng lớn tuồn vào Việt Nam. Các đối tượng rất ma mãnh khi thuê người dân địa phương vận chuyển ma túy cho chúng với tiền công cao ngất ngưởng so với những ngày tháng cực nhọc làm ruộng và nương mà vẫn không đủ ăn của bà con.
Các xã Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Nưa, Thanh Yên đều là những “trọng điểm” của “trọng điểm” trong việc mua bán ma túy của huyện miền núi Điện Biên. Có mặt tại các bản làng người Thái của xã Thanh Hưng ngày ấy, điều khiến tôi thấy lạ là dường như bản chỉ còn phụ nữ và trẻ em. Những người mẹ, những người vợ đã khóc cạn cả nước mắt vì xót thương cha, chồng và con trai đi vào vòng xoáy của đồng tiền, của ma túy và tù tội.
Vi Văn Lún (SN 1962, người dân xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) kể về bản Nong Nuy của phạm nhân này và gọi đó là “bản không chồng” khi có tới hơn nhiều chục hộ gia đình trong bản có người đi tù, có nhà tới 2 hoặc 3 người cùng phạm tội một lúc. Trong khi đó, bản Nong Nuy chỉ có 80 hộ dân!
Hầu hết các trường hợp phạm tội tại đây đều liên quan tới ma túy vì lợi nhuận của chúng quá cao khiến nhiều người như mờ mắt lao theo tội lỗi. Chỉ đến khi bị bắt và đối diện với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật thì lúc đó, những giọt nước mắt muộn màng đã không còn kịp nữa.
Ngồi đối diện với tôi, phạm nhân Lún tuy mới 50 tuổi nhưng trông già như một ông lão đã 70, chân tay run cầm cập và không còn cảm giác. Lún bảo đó là di chứng của việc bị tạm giam trong những ngày tháng chờ thi hành án tử hình dành cho mình do hành vi buôn bán ma túy.
Ham lợi, đánh đổi tự do
Vào một ngày 6/12/2006, Vi Văn Lún đón một người bạn Lào sang nhà chơi. Người này nhờ Lún bán hộ mình một bánh, hai cây thuốc phiện với giá 4,5 triệu đồng. Lún nhận lời và đem toàn bộ số thuốc phiện này cất giữ trong nhà. Sau đó, con rể Lún là Lào Trọng Chiến đã bàn bạc với bố vợ đem một cây đi bán với giá 5 triệu đồng.
Lún đồng ý và không ngờ rằng, Chiến vừa đem “hàng” đến điểm hẹn giao thì bị công an bắt giữ. Từ lời khai của Chiến, Lún đã bị bắt với toàn bộ số tang vật còn lại. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 23/11/2007 và phúc thẩm sau đó ít lâu 26/12/2008, Lún đã bị tuyên phạt tử hình. Chiến bị phạt 12 năm tù.
Vi Văn Lún kể lại: “Ngày bị tuyên án, chân tay tôi cũng run lên như bây giờ nhưng đó là sợ hãi và không nghĩ rằng mình phải đón nhận hình phạt nghiêm khắc như vậy. Tôi chỉ biết khóc mà không nói được gì cả. Sau đó tôi bị giam ở Lai Châu còn thằng con rể thì bị chuyển về trại Tân Lập”.
Trước khi đi đến bản án tử hình dành cho mình, chính phạm nhân Vi Văn Lún đã tự bịt cuộc đời mình bằng việc hút thường phiện hàng ngày. Bản Nong Nuy đa phần là đồng bào Thái, riêng gia đình Lún là khá giả hơn cả vì có tới hơn một héc-ta ruộng nương. Nhà Lún tọa lạc ngay đầu bản và với cơ ngơi như vậy, không ai nghĩ Lún có thể sa vào con đường tội lỗi khi tuổi đã xế chiều.
Lún kể lại: “Trong một lần đuổi trâu về nhà, tôi thấy ê ẩm hết mình mẩy vì mệt. Ngay lúc đó tôi được một người bạn mời thử thuốc phiện. Lúc tôi mới hút, gia đình tôi biết được cũng buồn lắm. Năm đứa con của tôi đều bỏ ăn lên đắp chăn nhất định bắt tôi cai. Vợ thì vừa xới cơm cho tôi vừa khóc bảo là thuốc phiện là con ma, hút rồi khó bỏ lắm. Tôi đã bỏ ngoài tai lời khuyên bảo đó để rồi ngày càng nghiện nặng hơn”.
Sau đó, những nỗ lực giúp Lún cai nghiện được khoảng 3 tháng trước khi ông ta tiếp tục trượt dài theo ma túy cùng đám bạn nghiện...
Ám ảnh về ngày ra trường bắn
Trong câu chuyện thi thoảng ngắt quãng với chúng tôi, Vi Văn Lún liên tục lấy tay quệt nước mắt khi kể về những đêm dài nhất của cuộc đời mình. Lún hồi tưởng: “Tôi sợ bất kỳ tiếng động mở cửa nào lúc gần sáng. Và tôi đã thức trắng nhiều đêm trong hơn 1 năm trời để chờ đợi tiếng động ấy qua đi mới có thể ngủ được.
Cứ ăn cơm tối xong là tôi ngồi thu lu vào một góc phòng giam. Nghe tiếng cán bộ tuần tra đi tuần để biết thời gian. Vào khoảng 2h đến 3h sáng là lúc tôi thấy trong mình chộn rộn nhất. Chỉ sợ lúc đó đến lượt mình phải chuẩn bị ra trường bắn thôi. Chỉ đến khoảng 5h sáng, tôi mới bắt đầu chợp mắt được một lát. Nhưng khi trời sáng, tôi lại bị ám ảnh bởi biết rằng chưa biết ngày mai sẽ ra sao...”.
Kể về thời khắc được ân xá của Chủ tịch nước, Lún xúc động: “Đó là ngày 18/10/2008. Phải, đúng là ngày đó. Lúc ấy là khoảng 7h sáng. Khi cán bộ bước vào buồng giam bảo tôi ra ngoài, tôi đã run đến nỗi không thể nào mặc được quần áo, miệng nói không nên lời vì nghĩ mình bị dẫn đi xử bắn. Chỉ đến lúc cán bộ bảo ra ngoài đón nhận quyết định được miễn hình phạt tử hình, tôi mới òa lên khóc nức nở”.
Phạm nhân 50 tuổi này chia sẻ thêm: “Tôi có cảm giác như vừa được sinh ra thêm một lần nữa. Hôm sau tôi đã gọi về ngay cho gia đình. Cả nhà tôi lập tức lên thăm tôi để chia vui”.
Giọng Lún trùng xuống mỗi khi nhắc đến vợ mình, chị Vì Thị Úng (49 tuổi): “Lần nào lên thăm ở Lai Châu, cô ấy cũng ôm tôi mà khóc. Tôi vẫn thích vợ nấu ăn cho mình, nhất là món thịt trâu nương nhưng hồi chờ được giảm án tôi không hề muốn ăn vì nghĩ đằng nào mình sẽ phải ra trường bắn. Cô ấy động viên tôi vì còn hy vọng thì còn phải cố gắng sống.
Cả năm đứa con của tôi cũng thường xuyên thay nhau cùng mẹ lên thăm. Giờ về Trại Hồng Ca rồi thì mẹ con xuống ít hơn nhưng so với ngày ở Lai Châu, giờ đây tôi đã có thể yên tâm cải tạo được rồi nhà báo ạ”.
Kể đến đây, ánh mắt của phạm nhân Lún ánh lên niềm vui và cũng là nụ cười duy nhất của buổi nói chuyện với chúng tôi. Trong sâu thẳm những con người như họ, giây phút được thoát án tử hình đã đem lại cho họ những hy vọng sống dù chỉ là nhỏ nhoi thôi nhưng vô cùng quý giá.
Một phạm nhân biết Lún cho chúng tôi biết: “Trong giây phút biết mình đã được tái sinh, Lún đã nhẩy cẫng lên như một đứa trẻ và hét to: “Được sống, được sống rồi” khiến chúng tôi cũng mừng lây”.
Ngọc Trìu