Khi văn học bước vào âm nhạc
Mới đây, ca sĩ dòng nhạc dân ca Phương Mỹ Chi đã công bố album nhạc sắp ra mắt “Vũ trụ cò bay”. Điều đáng chú ý, sản phẩm âm nhạc mới của nữ ca sĩ trẻ có âm hưởng xuyên suốt là văn học Việt Nam. Các bài hát đều lấy cảm hứng hoặc chủ đề từ các tác phẩm văn học kinh điển, như: “Vũ trụ cò bay”, “Chiếc lược ngà”, “Hai đứa trẻ”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Đẩy xe bò”... Các sản phẩm âm nhạc này đều toát lên tính văn học, từ việc tựa bài hát lấy trọn vẹn tựa tác phẩm văn học, hoặc trích các ý tứ trong tác phẩm.
Phương Mỹ Chi cho biết, các ca khúc trong album mang đậm chất văn học Việt Nam được các nhạc sĩ lấy cảm hứng sáng tác từ chất liệu văn hóa truyền thống, tác phẩm văn học.
Trước đó, hai ca khúc trong album là “Vũ trụ có anh” và “Đẩy xe bò” từng được phát hành và nhận được sự ủng hộ từ khán giả. “Đẩy xe bò” là ca khúc được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân trong sách Ngữ văn lớp 12. Còn MV “Vũ trụ có anh” thì lấy hình ảnh cô Tấm kết hợp các yếu tố từ phương Đông như ca trù, ngũ cung đến phương Tây như disco, yếu tố Disney.
Hé lộ về album mới, Phương Mỹ Chi cho biết sẽ từ chất liệu từ văn hóa truyền thống để tạo nên một “vũ trụ văn học” của riêng mình bằng kết hợp các thể loại âm nhạc Đông - Tây nhiều năng lượng trẻ trung.
Một nữ ca sĩ khác là Hòa Minzy cũng tạo dấu ấn đáng kể trong sự nghiệp khi đưa hình ảnh Thị Mầu trong văn học dân gian Việt Nam vào sản phẩm âm nhạc. “Thị Mầu” đã trở thành bản hit đặc sắc bậc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Hòa Minzy. Ca khúc được đánh giá độc đáo, hấp dẫn bởi cách tạo hình thú vị về Thị Mầu, cách sử dụng âm nhạc điện tử hòa trộn với âm hưởng của chèo, giai điệu hay và ca từ theo sát tác phẩm văn học nhưng vẫn đậm chất âm nhạc và trẻ trung. Ca khúc dễ dàng đạt con số triệu view và nhanh chóng lọt top trending trên các nền tảng số ngay sau khi ra mắt.
Xu thế vừa quen, vừa lạ
Từ vài năm trước, các tác phẩm văn học Việt bắt đầu bước vào âm nhạc với sự sáng tạo của nhiều nghệ sĩ trẻ. Một số nghệ sĩ nỗ lực đem văn học vào âm nhạc như ca sĩ Hoàng Thùy Linh với hàng loạt ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”, lấy cảm hứng từ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Lão Hạc”, “Tắt đèn”, MV “Bánh trôi nước” cảm hứng từ bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; ca sĩ Chi Pu với MV “Anh ơi ở lại” lấy cảm hứng từ truyện “Tấm Cám”; ca sĩ Bùi Lan Hương với MV “Mặt trăng” từ câu chuyện “Mị Châu - Trọng Thủy”; nam ca sĩ Đức Phúc với MV “Hết thương cạn nhớ” lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Chí Phèo”...
Mỗi một MV ra mắt lại khiến khán giả trầm trồ ngạc nhiên vì “vừa quen, vừa lạ”. Quen bởi gặp lại hình tượng văn học thân thuộc trong âm nhạc hiện đại, lạ bởi thông qua sáng tạo của mỗi nghệ sĩ, hình tượng nhân vật, câu chuyện... sẽ được khai thác theo những chiều hướng, góc nhìn khác nhau, độc đáo và mới mẻ, cổ điển mà cũng rất hiện đại.
Xu thế đem văn học vào âm nhạc đã đem lại nhiều giá trị tích cực. Thông qua âm nhạc, các nghệ sĩ đã đề cao giá trị văn hóa, giúp thúc đẩy sự quan tâm của giới trẻ đến các tác phẩm văn học. Đó cũng là một cách truyền cảm hứng cho người trẻ khám phá các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam.
Từ cảm hứng văn học, nhiều nghệ sĩ đã tạo ra sản phẩm âm nhạc đa dạng và sáng tạo, bao gồm âm nhạc dân gian, pop, rock, rap và nhiều thể loại khác. Điều này làm cho việc kết hợp giữa văn học và âm nhạc trở nên phong phú và thú vị.
Có thể nói, sự kết hợp giữa âm nhạc và văn học là một cách hữu hiệu để tạo ra sự đa dạng và sáng tạo trong ngành giải trí, đồng thời giúp duy trì và tôn vinh văn hóa Việt Nam. Văn học, văn hóa cổ truyền là cả một “kho tàng” mà các nghệ sĩ trẻ mới khai thác một vài khía cạnh, một vài tác phẩm. Còn rất nhiều “báu vật” trân quý, các nghệ sĩ có thể tìm hiểu, đào sâu để đem đến làn gió mới cho âm nhạc của mình, đồng thời lan tỏa tình yêu văn hóa Việt mạnh mẽ hơn nữa đến với đại chúng.