Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Ðình Chiểu sẽ được tỉnh Bến Tre tổ chức vào tối ngày 30/6/2022. Ðây là sự kiện mang tầm quốc tế, tương xứng với nghị quyết năm 2021 của UNESCO vinh danh Nguyễn Ðình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.
Theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, nhiều nghệ sĩ tài năng trong nước và quốc tế đã có các sáng tác mới về Nguyễn Ðình Chiểu dành riêng cho chương trình như: Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ðại Dũng có ca khúc "Cội nguồn xứ Huế quê hương" (do ca sĩ Ðông Quân và Thu Trang thể hiện); nhạc sĩ Ðỗ Bảo có bài "Ðạo không xa Người" (lời thơ Lê Quý Dương, nhóm tứ ca nam Lạc Việt trình bày)...
Các ca khúc như lời tâm tình, tự sự của thế hệ trẻ hôm nay tự hào giới thiệu và kể với bạn bè quốc tế câu chuyện về cụ Ðồ Chiểu. Tổng đạo diễn Lê Quý Dương cho hay, để có được hai sáng tác này, các nhạc sĩ đã tìm hiểu và cảm nhận được các giá trị của tác phẩm để từ đó có lời ca đầy cảm xúc.
Âm nhạc Việt và Thếgiới sẽ hòa quyện trong "Nguyễn Ðình Chiểu - Ðạo sáng mãi giữa đời". |
Nổi bật trong chương trình là màn ca cổ trích đoạn "Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga" do hai Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tứ và Mỹ Hằng thể hiện cùng tiết mục vọng cổ "Trái tim Ðồ Chiểu" (soạn giả Lê Long) của các nghệ sĩ của Ðoàn cải lương Bến Tre qua phần trình bày tác phẩm vọng cổ "Trái tim Ðồ Chiểu" của soạn giả Lê Long và hoạt cảnh "Nói thơ Vân Tiên", một hình thức trình diễn văn thơ truyền miệng độc đáo của người dân Nam Bộ xưa cũng được đạo diễn Lê Quý Dương đưa vào kết cấu và phương pháp dàn dựng của mình.
Nhạc sĩ - nghệ sĩ bộ gõ người Pháp- Dominique Probst sáng tác bản nhạc "Lời than thở của Nguyệt Nga" theo phong cách thính phòng châu Âu. |
Ðiểm độc đáo của chương trình, cho thấy tầm vóc quốc tế của sự kiện là việc nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Thụy Ðiển Tamela Hedstroem và nhạc sĩ người Pháp Dominique Probst tham gia chương trình với hai ca khúc "Lục Vân Tiên" và "Khúc than thở của nàng Nguyệt Nga" dựa trên cảm hứng từ truyện thơ "Lục Vân Tiên" của danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu.
Ca khúc Pháp do Dominique sáng tác sẽ được nghệ sĩ Mỹ Dung, nhạc viện TP.HCM đệm đàn Piano, ca sĩ Julia Thanh Nguyên biểu diễn. Nhạc trưởng nổi tiếng Trần Vương Thạch chỉ huy và đích thân nhạc sĩ Pháp Dominique chơi bộ gõ. Đây là một ca khúc vô cùng độc đáo theo phong cách thính phòng châu Âu viết về tâm sự Kiều Nguyệt Nga khi nhớ Lục Vân Tiên được viên nên từ xúc cảm của một nhạc sĩ Pháp sau khi đọc tập thơ Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga.
Điều này đã mở rộng bán kính ảnh hưởng và tính phổ cập của tác phẩm Lục Vân Tiên trên những chiều cảm nhận, đánh giá và phong cách sáng tạo khác nhau của các nghệ sĩ quốc tế.
Nhạc sĩ- nghệ sĩ bộ gõ người Pháp Dominique Probst đã quen biết đạo diễn Lê Quý Dương từ cuối những năm 1990 khi cùng hợp tác trong một dự án opera đương đại mang tên "Motherland" (Đất mẹ). Kể từ đó, họ trở nên thân thiết. Nghệ sỹ Dominique đánh giá đạo diễn Lê Quý Dương là một người tài năng và truyền cho ông nhiều cảm hứng sáng tạo.
Ông Dominique lần đầu tiên biết đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và truyện “Lục Vân Tiên” thông qua đạo diễn Lê Quý Dương. Sau này, tại Paris, ông Dominique tình cờ tìm thấy một ấn bản tuyệt đẹp của cuốn sách do Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Française d'Extrême Orient, EFEO) xuất bản. Ông thực sự rung động trước tình yêu trong sáng, thủy chung của nàng Kiều Nguyệt Nga dành cho Lục Vân Tiên. Do đó, ông sáng tác bản nhạc "Lời than thở của Nguyệt Nga" theo phong cách thính phòng châu Âu.
Nhạc sỹ - ca sỹ người Thụy Điển Tamela Hedstrom sáng tác một bài hát dựa trên cảm hứng từ tác phẩm “Lục Vân Tiên”. |
Về phần nhạc sỹ - ca sỹ người Thụy Điển Tamela Hedstrom, khi đạo đạo diễn Lê Quý Dương bày tỏ ý định mời sáng tác một bài hát dựa trên cảm hứng từ tác phẩm “Lục Vân Tiên,” cô Tamela hơi ngạc nhiên bởi lúc đó, cô chưa biết đến tác phẩm này.
Tuy nhiên, kể từ khi quen biết Lê Quý Dương tại Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế Fujairah (UAE) năm 2020, Tamela Hedstrom đã quý mến vị đạo diễn này và trân trọng cơ hội hợp tác cùng anh. Do đó, cô đã hào hứng nhận lời. “Đạo diễn Lê Quý Dương đã kể cho tôi nghe về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ “Lục Vân Tiên” cũng như trao đổi về ý tưởng dàn dựng chương trình nghệ thuật tôn vinh cụ Đồ Chiểu,” ca sỹ Tamela cho biết.
Ấn tượng ban đầu của Tamela Hedstrom về “Lục Vân Tiên” là một câu chuyện đẹp, cuốn hút, qua đó gửi gắm lời khuyên mọi người cố gắng vượt lên nghịch cảnh. Vậy là cô bắt đầu đọc cuốn truyện “Lục Vân Tiên” bằng tiếng Anh và ghi chép lại tất cả những chi tiết, những thông điệp đáng chú ý. “Lục Vân Tiên” thực sự cuốn hút Tamela, khiến cô dành thời gian chiêm nghiệm các triết lý trong tác phẩm, thực sự hóa thân vào các nhân vật để có thể hoàn thành bản nhạc.
“Trong lúc đọc tác phẩm, trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh các nhân vật, các tình tiết. Từ đó, những giai điệu cứ thế đến với tôi,”’ cô nói. Ca khúc được “tô điểm” thêm bằng những cụm từ hay chi tiết cuốn hút mà Tamela đã ghi chép lại. Nghệ sỹ viết ca khúc này theo phong cách ballad nhẹ nhàng.
Toàn bộ chương trình nghệ thuật "Nguyễn Ðình Chiểu - Ðạo sáng mãi giữa đời" sẽ được Ðài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1, có tiếp sóng trên nhiều đài truyền hình địa phương và được livestream trên nền tảng facebook để phục vụ đông đảo người xem, nhất là các đại biểu và thành viên của UNESCO tại Pháp và các nước châu Âu.