An Giang: Tuyên truyền pháp luật phải thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu người dân

(PLVN) -  Công tác Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh An Giang đã được triển khai sâu rộng, với nhiều hình thức, nội dung sinh động nhằm đưa pháp luật đến gần dân.

Linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả

Qua 10 năm triển khai thi hành, Luật PBGDPL đã thực sự đi vào đời sống. Công tác PBGDPL trên địa bàn An Giang ngày càng được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Các hoạt động PBGDPL càng đi vào chiều sâu và thiết thực, góp phần chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh cho cán bộ và người dân. Đa số báo cáo viên pháp luật đều có trình độ, thâm niên công tác và am hiểu về pháp luật. Hàng năm, các báo cáo viên pháp luật đều được tham dự tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai các văn bản pháp luật mới. PBGDPL các cấp đã quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi các hình thức tuyên truyền phù hợp như tổ chức sinh hoạt bằng hình thức trực tuyến, gửi tài liệu tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, hộp thư điện tử, tờ gấp, banrol tuyên truyền; mạng xã hội... Trong đó đáng chú ý nhất là tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng mạng xã hội. Tỉnh đã phối hợp thực hiện các chuyên mục hay, thiết thực để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân như: Chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”, Chuyên mục “Pháp luật và Chính sách”. Các tình huống cụ thể và gần gũi trong cuộc sống được tái hiện và được giải quyết với góc nhìn và quy định của pháp luật. Qua đó nhắn gửi các thông điệp pháp luật ngắn gọn, gần gũi và dễ hiểu đến người dân. Chuyên mục “Hộp thư bạn xem đài” lồng ghép giới thiệu những văn bản pháp luật mới ban hành, chính sách pháp luật được người dân quan tâm.Chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, Chuyên mục Chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường…

Sở Tư pháp phối hợp tổ chức các Tọa đàm pháp luật để nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ người dân

Sở Tư pháp phối hợp tổ chức các Tọa đàm pháp luật để nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ người dân

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã triển khai nhắn tin qua điện thoại về những nội dung mang tính cấp bách, thời sự, cao điểm như: phòng, chống tội phạm; phòng, chống dịch bệnh COVID-19; giao thông đường bộ; đất đai; “tín dụng đen”... Từ năm 2018 đến năm 2022, Sở Tư pháp phối hợp với VNPT An Giang thực hiện gửi 598.112 tin nhắn điện thoại cho 504.704 thuê bao điện thoại thuộc các mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel. Ngoài ra, các ngành, các cấp không ngừng phát huy hiệu quả hoạt động trong phổ biến pháp luật trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…); các Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân tra cứu, tham khảo, tìm hiểu pháp luật…

Điểm đáng chú ý trong công tác PBGDPL của tỉnh An Giang là phổ biến pháp luật thông qua hoạt động xét xử. Hoạt động này góp phần tuyên truyền, PBGDPL cho những người tham gia tố tụng và những người dự khán tại phiên tòa về các quy định của pháp luật liên quan đến các vụ án được xét xử. Tại các đơn vị lực lượng vũ trang và các xã đặc biệt khó khăn còn thực hiện PBGDPL thông qua hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật

Ngoài các hình thức trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các CLB pháp luật, Tổ Tư vấn pháp luật như: “Tổ tư vấn pháp luật” của các Đồn Biên phòng; mô hình “Tổ tư vấn tâm lý pháp luật quân nhân” trong lực lượng vũ trang, “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (năm 2019) và xã Mỹ Đức (năm 2022); Mô hình “Trung tâm pháp luật cộng đồng” được thành lập tại xã Tây Phú và xã An Bình, huyện Thoại Sơn.

Trật tự, an toàn xã hội chuyển biến tích cực

Công tác PBGDPL trong nhà trường thời gian qua cũng được triển khai hiệu quả, tích hợp nội dung giáo dục pháp luật vào các môn học và dạy chương trình giáo dục pháp luật quy định trong chương trình môn giáo dục công dân, cao điểm là các hoạt động sinh hoạt Ngày pháp luật định kỳ với nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền miệng tại các hội nghị, lớp tập huấn hoặc kết hợp nội dung sinh hoạt Ngày pháp luật trong các buổi sinh hoạt nội bộ; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. Nhờ đó, giúp học sinh có ý thức hơn trong thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, sáng tạo giúp luật đến gần dân hơn

Nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, sáng tạo giúp luật đến gần dân hơn

Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh An Giang luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ và bố trí kinh phí cho công tác này. Trong thời gian qua, nhờ có vai trò tư vấn của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp nên công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, trình độ nhận thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang đạt được các kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động PBGDPL càng đi vào chiều sâu và thiết thực, góp phần chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh cho cán bộ và người tiếp cận, thực hiện.

Tuyên truyền thông qua các Hội thi phát huy hiệu quả cao, thiết thực

Tuyên truyền thông qua các Hội thi phát huy hiệu quả cao, thiết thực

“Nhìn chung, tình hình trật tự, an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp như: trộm cắp tài sản; cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, mâu thuẫn nhất thời; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trên không gian mạng; tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới… Vì vậy, trong thời gian tới, để hoạt động tuyên truyền đạt hiệu quả, cần quan tâm đến khả năng nhận thức, lĩnh hội kiến thức, hiểu biết về pháp luật của các từng vùng, nhóm đối tượng được tuyên truyền; từ đó, nghiên cứu, sáng tạo, linh hoạt trong việc lựa chọn áp dụng các hình thức truyền thống bên cạnh các hình thức, phương pháp mới phù hợp với từng đối tượng có trình độ văn hóa khác nhau; nhân rộng các mô hình, các làm hiệu quả”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tỉnh An Giang hiện đang thực hiện nhiều chương trình, đề án PBGDPL như: Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang; Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021- 2027”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020- 2025”; Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ” trên địa bàn tỉnh; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”.

Đọc thêm