Ẩn họa bạo lực trên hè phố

Liên tiếp xảy ra các vụ đánh, giết người vì những “lý do đâu đâu”. Phóng viên PLVN Online đã đi tìm câu trả lời, lý giải cho hiện tượng đáng lo ngại trên.

Công tác truy bắt hung thủ trong các vụ án mạng này gặp rất nhiều khó khăn bởi giữa nạn nhân và hung thủ không hề có mâu thuẫn hay quan hệ từ trước.

Dùng bạo lực giải quyết va quệt giao thông

Tin mới nhất từ TP.Hồ Chí Minh cho hay, hai nghi phạm đã đâm chết hai người, đâm trọng thương một người vì va chạm giao thông trên đường Cống Quỳnh (quận 1) ngày 6/8 vừa qua đã bị công an bắt giữ sau một tuần lẩn trốn ở Bình Dương và Đồng Nai.

b
Mới thấy người khác rút thắt lưng ra, Tân đã cho rằng mình... “ở thế đường cùng”!

Hai người bị bắt giữ là Nguyễn Quốc Tân (21 tuổi, ở phường Tân Hưng, quận 7) và Nguyễn Văn Út (29 tuổi, ở phường Tân Quy, quận 7). Trong đó, Út từng hai lần ở tù nhưng người vung dao lại là Tân - một thanh niên làm nghề bảo vệ, chưa có tiền án, tiền sự.

Tại cơ quan điều tra, Tân khai nhận hành vi phạm tội của mình: Tối hôm đó (6/8), Tân và Út suýt va quệt xe với ba thanh niên đi xe SH. Chuyện chỉ có vậy nhưng một trong ba người đi xe SH đã dùng mũ bảo hiểm, thắt lưng tấn công Tân. Đáp lại, Tân đã rút con dao Thái Lan (loại gọt hoa quả) vừa mua để đâm trả.

Lời khai của Tân khiến những người theo dõi vụ án này phải suy nghĩ: “Tôi ra tay vì bị dồn vào bước đường cùng. Tôi đâm từ dưới lên vào bụng và ngực ba thanh niên. Tất cả những nhát dao của tôi đều trúng. Nhưng tôi không nhớ đâm bao nhiêu nhát, chỉ nhớ mỗi người khoảng 2-3 nhát”.

Vâng, nếu như những lời khai của Tân là sự thật, tức là Tân và Út đã bị ba thanh niên kia tấn công trước bằng mũ bảo hiểm, thắt lưng, thì nói một cách khách quan, Tân là kẻ giết người máu lạnh nhưng giá như các nạn nhân đã nhận những nhát dao kia biết kiềm chế mình trong những mâu thuẫn, va chạm rất đỗi đời thường đó...

Võ sĩ Karatedo nổi điên trên phố

Cách đây không lâu, PLVN online từng đăng bài phản ánh một vận động viên Karatedo từng là ứng cử viên tranh Huy chương Vàng trong các cuộc thi võ thuật cấp quốc gia “tung chưởng” rồi truy sát đến cùng một người đàn ông đáng tuổi cha chú mình, thẳng tay, chân đấm đá một nữ sinh viên chân yếu tay mềm cũng chỉ vì chuyện va quệt xe cộ.

Vận động viên “múa võ” ngoài sàn đấu này là Lê Đình Anh (sinh năm 1988, ở số 6 tổ 14A, tập thể Nhà máy Diêm gỗ Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội).

b
Vì giở võ sai chỗ mà Lê Đình Anh sắp mang trên mình một tiền án

Khoảng 19h30 ngày 26/6/2010, trong lúc ông Nguyễn Tiến Hùng (50 tuổi, ở phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển xe máy rẽ vào cửa hàng quần áo của con gái trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã va quệt nhẹ với xe máy đi cùng chiều do Lê Đình Anh điều khiển.

Từ cái mâu thuẫn nhỏ nhặt này, Lê Đình Anh đã “nổi điên”, dùng hết công lực đấm, đá con gái ông Hùng (một nữ sinh viên 22 tuổi), cháu trai ông Hùng khiến nữ nạn nhân nhiều phen ngã bệt xuống đường. Không chỉ thế, Lê Đình Anh còn dùng một cây sào tre thẳng tay nện xuống tấm thân mềm yếu của cô gái tội nghiệp. Thấy “nguồn phát mâu thuẫn” là ông Hùng đã chạy vào nhà, Lê Đình Anh lao theo, dùng quyền cước phá vỡ cửa kính để tấn công ông Hùng.

Mặc dù là một Trung tá Cảnh sát Hình sự đang công tác tại Công an quận Đống Đa nhưng do tuổi tác đã cao, ông Hùng không thể chống cự lại được với đẳng cấp võ thuật quá cao siêu của võ sĩ Lê Đình Anh. Hậu quả: Võ sĩ này đã đấm đá Trung tá Công an đến trọng thương, chấn động não, vỡ xương gò má, vỡ quai hàm, phải nhập viện khẩn cấp. Đến nay, sau nhiều ngày điều trị, ông Hùng vẫn chịu ảnh hưởng rất xấu từ các chấn thương nêu trên.

To béo, lực lưỡng như Nguyễn Quốc Tân hay võ nghệ đầy mình như Lê Đình Anh mà sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn vặt vãnh trên đường phố thì đã đành. Giờ đây còn có những kẻ không “át vía” được người khác nhưng vẫn thích ra phố để... đánh người mà không cần có “lý do lý chấu” gì cả. Đối tượng Phạm Văn Sang (22 tuổi, trú thôn Giá Vực, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) là một ví dụ điển hình.

Sau khi có chuyện bất hòa với bố ruột, khoảng 20h ngày 31/7, Sang đến quán cà phê Phố Núi ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì để... uống rượu giải sầu. Khi đã khật khưỡng cùng hơi men, Sang than chán đời và bảo đêm nay phải... “xử” một người nào đó cho hả giận (!). Các bạn của Sang nghe vậy thì cũng hoảng nhưng chưa kịp can thì Sang nói tiếp: “Nếu không có ai để trút giận, tao sẽ về nhà xử bố tao”. Thấy Sang tuyên bố vung trời như thế, mọi người lại thở phào vì tưởng Sang đang bốc phét.

Nào ai ngờ đến 21h30 cùng ngày, khi tàn cuộc nhậu thì Sang đã phóng xe máy đi lòng vòng ngoài đường để tìm người gây sự thật. Được một lát, Sang nhìn thấy trong nhiều người đang ngồi ăn ở quán hủ tiếu của ông Nguyễn Hải Quân (ở thôn Giá Vực) có hai thanh niên nom rất “quen mắt” (hai anh này là Đinh Xuân Phê, 19 tuổi và Phạm Văn Triên, 21 tuổi, đều ở xã Ba Vì - PV), Sang dừng xe lại nhìn chằm chằm vào 2 người.

v
Phạm Văn Sang có dáng người nhỏ thó nhưng ra tay rất tàn bạo

Bằng con mắt lờ đờ hơi rượu, bỗng dưng Sang thấy hai anh này giống với hai người đã đánh nhau với Sang cách đây 2 tháng nên Sang lập tức quay về nhà lấy dao ra, quát nạt anh Phê và anh Triên: “Mày là đại ca ở đây hả? Mày tin tao chém mày không?”. Hai nạn nhân run cầm cập đáp: “Tụi em đâu làm gì anh đâu?”. Lập tức, Sang cầm dao đâm sượt nách anh Triên. Hoảng hồn, anh Triên vội vàng băng ruộng, bơi qua sông Hre chạy trốn. Thấy chuyện vô lý, anh Phê vừa cất tiếng phản đối thì bị Sang đâm một nhát vào bụng. Do bị thương quá nặng, anh Phê đã chết trên đường đi cấp cứu...

Thay lời kết

Đặc điểm chung của các vụ dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn nhỏ nhặt như trên là diễn ra nhanh, bất ngờ nhưng hậu quả thì rất khó lường và công tác truy xét hung thủ gặp rất nhiều khó khăn bởi nạn nhân và hung thủ không hề có mâu thuẫn hay quan hệ từ trước. Động cơ tấn công người khác trong những trường hợp này đơn thuần chỉ là va quệt xe cộ, một câu chửi thề, một cái “nhìn đểu”, một lời từ chối rượu mời... Và trong những kẻ thủ ác đó, không ít người trước khi “nộ khí xung thiên” còn là những chàng trai, cô gái thường ngày “hiền như bụt”, kính trên nhường dưới...

Đến lúc phải trả giá bằng những tháng năm tù tội thì họ mới xót xa ân hận và cầu mong thời gian có thể quay trở lại để học bài học kiềm chế hành vi của mình. Cổ nhân có câu “Lùi một bước thấy trời cao biển rộng”. Giờ đây áp dụng vào cái nhịp sống gấp gáp dễ nảy sinh nhiều loại va chạm này, nhiều khi một phút nhường nhịn, một câu nói hòa khí sẽ có tác dụng bảo toàn cho tính mạng của chính mình.

Phúc Lâm

 

 

Đọc thêm