Ẩn họa sau cơn "sốt" thu mua đỉa

Người dân nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng gần đây đua nhau bắt đỉa bán vì giá mỗi cân được thương nhân rao mua hơn 1 triệu đồng... Các nhà khoa học cảnh báo, đỉa lan ra đồng ruộng sẽ là tai họa, vì tình trạng thu mua đỉa như hiện nay sẽ khiến bà con đổ xô nuôi đỉa.

Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng rộ lên tình trạng người dân đua nhau đổ ra đồng bắt đỉa bán vì giá mỗi cân được các thương nhân rao mua lên tới hơn 1 triệu đồng. Không ai biết họ thu mua đỉa để làm gì, xuất bán đi đâu. Còn các nhà khoa học thì cảnh báo, con đỉa lan ra đồng ruộng sẽ là tai họa, vì tình trạng thu mua đỉa như hiện nay sẽ khiến bà con đổ xô nuôi đỉa.
Nuôi đỉa có nguy cơ ảnh hưởng đến đồng ruộng
Nuôi đỉa có nguy cơ ảnh hưởng đến đồng ruộng
Nông dân được giá là buôn

Bao đời nay, con đỉa là vật hút máu, thuộc họ thân mềm, sống ở đồng ruộng, trở thành nỗi kinh sợ với nhiều người dân thì nhiều tháng nay, ở khắp các tỉnh như Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… lại rộ lên “cơn sốt” đỉa. 

Anh Nguyễn Văn Dũng, ở huyện Kim Thành, Hải Dương cho biết, sau khi có thông tin đỉa được thu mua với giá cao, nhiều nông dân ở Kim Thành đã đổ xô ra đồng săn bắt. Dụng cụ mà bà con sử dụng là những túi vôi bột trộn thuốc lào, khi bắt gặp đỉa thì nhúng túi vôi bột vào con đỉa, chúng sẽ co lại, chỉ việc dùng vợt hớt lên. Tuy nhiên, có khi đi cả buổi chỉ bắt được vài chục con.

Anh Dũng cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, đỉa ít hơn hẳn so với trước. Thậm chí nhiều nơi còn không có đỉa nữa. Nguyên nhân không phải do săn bắt mà do cường độ sử dụng các loại thuốc (trừ sâu, diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng, diệt chuột) ngày một nhiều, nên đỉa cũng bị tận diệt theo.

Chị Trần Thị Nga, một nông dân ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, rất nhiều thương lái ở tận huyện Kim  Thành hàng ngày vẫn sang thu gom đỉa của nông dân với giá 10.000 đồng/con. Hầu như không ai biết rõ họ mua đỉa để làm gì, chỉ nghe nói bán sang Trung Quốc.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm được ở trên trang web www.agroviet.com (một trong những website về mua bán các loại nông sản) một thương lái thu gom có tên là Thủy, ở quận Hồng Bàng-Hải Phòng, với lời rao nhận thu gom đỉa khô (con đỉa đã phơi khô) với số lượng không hạn chế.

Chị Thủy cho biết, chị được một người đang làm ăn bên Trung Quốc đặt mua mặt hàng này. “Đối tác ở bên Trung Quốc nói với tôi rằng, cần thu mua đỉa khô với số lượng không hạn chế, cần phải có nguồn hàng ổn định, mỗi lần giao hàng ít nhất là phải từ 500kg đỉa khô trở lên, trả giá cao”. Do vậy, chị Thủy đã trở về “phát động” phong trào thu mua đỉa bán sang Trung Quốc. Để gom đủ hàng, chị sẵn sàng trả giá rất cao: 1,3-1,5 triệu đồng/kg đỉa tươi.

Tuy nhiên, khi được hỏi đỉa thu gom sang Trung Quốc để làm gì, ngay cả chị Thủy cũng lắc đầu: “Tôi cũng chỉ nghe nói để sử dụng làm thuốc, chứ thực hư ra sao thì tôi cũng không nắm được, vì hàng chỉ đưa đến cửa khẩu sẽ có người ra đó nhận, tôi không trực tiếp sang Trung Quốc để giao hàng”.

Tiềm ẩn tai họa

Theo lương y Trần Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam, trong đông y con đỉa còn gọi là thanh điệt, một trong những vị thuốc giúp thông máu, làm tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng. Ngoài ra, với y học hiện đại ngày nay, thanh điệt được phối chế với nhiều loại thuốc khác để điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu…

Song lương y Quảng cảnh báo: “Dùng loại này rất nguy hiểm, nếu tự ý dùng bừa bãi sẽ gây những tác hại khôn lường. Bởi trong quá trình đốt, tán đỉa không làm chết hết các tế bào, khi người bệnh uống, tế bào còn sót lại sẽ sinh trưởng và lớn lên thành con đỉa ở trong người bệnh”. Cũng bởi vậy, hiện trong Đông y cũng ít dùng loại thuốc này, trừ những trường hợp hết thuốc mới dùng thay thế.

Dẫu vậy, sau khi có thông tin đỉa được thu mua với giá trên 1 triệu đồng, ở nhiều nơi thuộc Sơn La và miền Trung, nông dân cũng thi nhau đi bắt đỉa. Thậm chí, nhiều người còn cho biết nếu đỉa được mua với giá cao như vậy thì họ có thể lập trại nuôi đỉa, vì ngoài tự nhiên gần như là cạn kiệt rồi. Anh Lê Anh Tuấn, ở huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, anh làm giáo viên ở Trường THCS Liên Hoà. Ở quanh chỗ anh vẫn còn rất nhiều đỉa. Sau khi nghe chuyện đỉa được thu mua với giá quá cao như vậy, anh có ý tưởng vận động người dân bắt đỉa. Nếu bắt hết đỉa thì sẽ nuôi để nhân rộng.

Do đó, GS. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam lo ngại việc người dân thu mua đỉa trên diện rộng sẽ dẫn tới tình trạng nông dân thấy lợi trước mắt lại thi nhau nuôi đỉa để bán, rồi khi các thương nhân Trung Quốc không thu mua nữa sẽ gây ra ra hậu quả lớn.

Ông nói: “Đỉa là loài rất dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện. Đặc biệt, ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó, để tiêu diệt con đỉa rất khó, ngay cả việc đốt cháy, nếu không cháy hết còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường”. Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa thì không thể kiểm soát được đỉa tràn ra môi trường, trở thành tai họa, giống như hiện tượng nuôi ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ…

Trường Lưu

Đọc thêm