Ẩn họa từ chiếc vòng bé xíu

Bạn nghĩ gì nếu trong cơ thể bạn có một chiếc vòng đang đi chu du và sẽ ngẫu hứng “dừng chơi” đâu đó ở  lục phủ ngũ tạng?Quả là không dễ chịu chút nào! Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng sở dĩ chiếc vòng bé xíu đó lại nguy hiểm đến vậy, chính vì bạn đã “cấp phép” cho nó

Bạn nghĩ gì nếu trong cơ thể bạn có một chiếc vòng đang đi chu du và sẽ ngẫu hứng “dừng chơi” đâu đó ở  lục phủ ngũ tạng?Quả là không dễ chịu chút nào! Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng sở dĩ chiếc vòng bé xíu đó lại nguy hiểm đến vậy, chính vì bạn đã “cấp phép” cho nó.

Hình minh họa

Từ chiếc vòng bị… bỏ quên

Gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực sản phụ khoa, Bác sỹ – BS Lê Thị Kim Dung, Phụ trách Khoa Sản, Trung tâm Y tế Thái Hà không biết bao nhiêu lần đã chứng kiến những sự “quên” của chị em đối với chiếc vòng, vật dụng vốn được coi là “bùa hộ mạng” của họ.

Trường hợp của chị Nguyễn Hồng N (Khâm Thiên, Hà Nội) là một ví dụ. Theo lời kể của chị N, chị đặt vòng tránh thai cách đây đã hơn 8 năm rồi. Vì áp lực công việc và bận rộn với đứa con đầu, chị chẳng để ý chiếc dây của nó đã bị đứt khi nào, cũng như không nhớ sau bao lâu thì phải lấy vòng ra. Đến khi có ý định sinh con thứ hai chị mới tìm đến BS để tháo vòng.

Thời điểm chị N tìm đến phòng khám, BS Kim Dung cho biết, chiếc vòng đã bị quá hạn hơn 3 năm vì nó được khuyến cáo chỉ sử dụng trong 5 năm. Đáng ra khi hết thời gian này, chị N phải tháo nó ra nhưng chị đã quên mất. Và nếu như không có sự kiện muốn có con, chị đã quên hẳn nó trong mình.

“Vấn đề là do đã quá lâu, chiếc vòng tránh thai chữ T vốn có dây này đã bị đứt khiến cho việc thực hiện thủ thuật vô cùng khó khăn. Lý do vì dù đặt vòng hay lấy vòng thì người bác sĩ đều không nhìn được trực tiếp mà phải mò mẫm, nhờ vào kinh nghiệm. Chưa kể người làm cũng rất căng thẳng vì sợ thủng tử cung", bác sĩ Dung khẳng định.

Không chỉ có vậy, BS Kim Dung còn cho biết, trong thực tế, các bác sĩ sản phụ khoa thường gặp những phụ nữ để vòng trong tử cung rất lâu, sau tuổi mãn kinh, tuổi đã về hưu. Điều này là không nên vì với mỗi loại vòng, nhà sản xuất đều có thời hạn sử dụng nhất định (5 năm, 8 năm…), nếu để quá lâu trong cơ thể, không lấy ra thì dễ dẫn đến nguy cơ biến chứng rất nguy hiểm.

… Đến “phiêu du trong ổ bụng”

Theo các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, có chị em sau khi đặt vòng, tử cung tăng cường co bóp, khiến vòng có thể bị tuột. Cũng có trường hợp bị đẩy lún sâu dần vào lớp cơ của tử cung, sau đó nó có thể đi xuyên qua lớp cơ và dần chui vào ổ bụng. Việc vòng tránh thai di chuyển vào ổ bụng hay bàng quang là một biến chứng hiếm gặp và thường xảy ra sau một thời gian khá dài. Ca tai biến nghiêm trọng vừa xảy ra năm 2012 tại Bệnh viẹn Hữu Nghị Việt Đức là một dẫn chứng đau lòng.

Bệnh nhân là một cụ bà đã 78 tuổi, thường trú ở Bắc Giang, nhập viện trong tình trạng bụng chướng, đau vùng chậu phải. Kết quả siêu âm, chụp X-quang cho thấy bà Lan (tên bệnh nhân) bị tắc ruột, có dịch ở ổ bụng, một đoạn ruột hoại tử.

Dị vật được phát hiện là chiếc vòng tránh thai hình số 8. Do nằm quá lâu trong cơ thể, chiếc vòng trong tử cung di chuyển vào ổ bụng. Một quai ruột đã chui vào lỗ trên vòng, làm nghẹt khiến đoạn ruột bị hoại tử. Ngay lập tức, các BS Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành mổ lấy dị vật, đồng thời cắt đoạn ruột bị hoại tử. Cũng may, bệnh nhân được chuyển viện và xử lý kịp thời, nếu không có thể dẫn đến viêm phúc mạc, hoại tử và phải cắt ruột…

Làm gì để không “cấp phép du lịch” cho vòng ?

Về nguyên tắc chuyên môn, BS sản phụ khoa Lê Hoàng Long (Phòng khám đa khoa Hoàng Long, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, các dụng cụ liên quan đến việc thăm khám, đặt vòng tránh thai phải đảm bảo vệ sinh vô trùng; động tác đặt phải đúng kỹ thuật; phải đặt vòng khi đang có kinh; trước khi đặt vòng, chị em phải đi khám phụ khoa.

Bởi nếu khi đặt vòng mà bị bệnh viêm nhiễm thì thủ thuật đặt vòng sẽ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập sâu vào bên trong gây nhiễm trùng vùng chậu; viêm dính vòi trứng dẫn đến tình trạng vô sinh sau này (thực tế trong quá trình khám bệnh lưu động cho bà con vùng sâu, xa, BS Hoàng Long đã bắt gặp không biết bao nhiêu trường hợp chị em bị viêm nhiễm lâu ngày và rất nặng vì những biến chứng của chiếc vòng tránh thai gây ra).

Ngoài ra, theo chuyên gia sản phụ khoa Hoàng Long, đặt vòng không đúng quy cách còn gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng như vẫn có thai, hoặc vì không khám kỹ nên có thai rồi mà vẫn đặt vòng gây sảy thai, hy hữu có trường hợp bị thủng tử cung, vòng bị xuyên thẳng vào ổ bụng, nếu không xử lý kịp thời có thể gây chết người. Thậm chí, có thể gây đau đầu, rong kinh, đau lưng, tức vùng bụng dưới, thậm chí còn bị tuột vòng ra ngoài... Có trường hợp do thời gian để vòng quá lâu gây mỡ bao bọc khi cần lấy rất khó thậm chí bị gãy vụn gây nhiễm trùng trong tử cung, ổ bụng…

Trước những hiểm họa trên, BS Hoàng Long khuyến cáo, trong trường hợp  đặt vòng rồi mà vẫn “dính” thai cần khám ngay để kịp xử lý không có thể vòng sẽ gây vỡ vỏ ối, sinh non hoặc dẫn đến sảy thai mặc dù vòng ở ngoài túi thai. Tốt nhất, sau khi đặt vòng, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra tình trạng, vị trí của vòng. Đặc biệt, không nên để vòng trong cơ thể quá lâu. Đối với phụ nữ đã mãn kinh thì càng phải tháo vòng ra, không nên để lâu trong cơ thể vì dễ gây viêm, biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe.../.

Lâm Quỳnh

Đọc thêm