Lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em, người yếu thế; phát huy tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng, động viên và nhân rộng các hoạt động thiện nguyện, qua đó giúp đỡ thiết thực người dân, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt… đó là những vấn đề không được để đứt quãng trong cuộc sống “bình thường mới”.
An sinh xã hội tốt giúp xã hội ổn định
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, xã hội đất nước và đời sống an sinh của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thành lập các tiểu ban, trong đó có Tiểu ban An sinh xã hội nhằm bảo đảm các yêu cầu cấp thiết của người dân trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19.
Công tác an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể thực sự coi trọng. Đơn cử như tại cuộc họp của Tiểu ban An sinh xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cuối tháng 8/2021 vừa qua, thống kê cho thấy, tính đến ngày 29/8, công đoàn các cấp đã chi trên 3.950 tỷ đồng hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động; kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo cho người lao động; chủ động tổ chức hình thành các mô hình siêu thị 0 đồng, ATM gạo, gian hàng lưu động 0 đồng… giảm giá các mặt hàng thiết yếu để kịp thời hỗ trợ công nhân lao động lương thực, các nhu yếu phẩm; Vận động hơn 8.100 doanh nghiệp thành lập 42.220 tổ an toàn Covid-19 tại cơ sở để nắm tình hình đời sống công nhân lao động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động và các vấn đề phát sinh.
Cùng với cả nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Quân đội và nhiệm vụ Chính phủ giao; duy trì các tổ, chốt làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, các điểm cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, tổ, đội lấy mẫu xét nghiệm; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở rà soát không để sót các đối tượng yếu thế, những người lao động mất việc làm, cần được tư vấn hỗ trợ để có biện pháp giúp đỡ kịp thời; bảo đảm an ninh, trật tự, phân luồng giao thông, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine và hồi sức cấp cứu cho nhân dân, triển khai các trạm y tế lưu động tại TP HCM và tỉnh Bình Dương. Các đơn vị Quân đội đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt, huy động sản phẩm tăng gia hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, tổ chức thực hiện các mô hình “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “ATM gạo chia sẻ”… Tổng lũy kế đến ngày 28/8, toàn quân đã ủng hộ hơn 559 tỷ đồng; giúp đỡ nhân dân thu hoạch, vận chuyển trên 84.550 tấn lương thực…
Có thể thấy, công tác an sinh xã hội được coi trọng, nhờ đó, đời sống của người dân được giữ vững, đời sống chính trị xã hội ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ.
Trong thời gian tới đây, khi cả nước dần bước vào cuộc sống “bình thường mới” thì công tác này cần được tiếp tục đẩy mạnh. Theo Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Tiểu ban An sinh xã hội thì “cần phối hợp chặt chẽ với các tiểu ban, cơ quan chức năng liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác”.
“Bình thường mới” là phải song song vừa hiệu quả vừa an toàn
Trao đổi với truyền thông, TS Nguyễn Đình Cung - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, vì nếu không thực hiện, sẽ không thể tồn tại trong thời đại mới.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu động viên và tặng quà cho công nhân, lao động tự do tại khu phố 5, phường 9, quận 5. Nguồn ảnh thanhuytphcm.vn. |
Dịch bệnh đã thay đổi về cấu trúc xã hội. Thay đổi này giống như một thời kỳ mới, không phải thay đổi nhất thời. “Bình thường mới” không phải cái gì cao xa, mà nó là những gì diễn ra xung quanh, từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội, đời sống sản xuất, cách thức tiêu dùng, cách thức sống, y tế, giáo dục… làm sao để thích ứng và phát triển. Khi mình xác định được các yếu tố, sẽ có cách ứng phó.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, có 5 điểm đặc trưng của “bình thường mới”. Thứ nhất là trước đây, khi làm bất kỳ việc gì, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi người sẽ nghĩ đến tính hiệu quả đầu tiên, nhưng bây giờ, phải song song vừa hiệu quả vừa an toàn. An toàn chính là cái mới. Tất cả các hoạt động trong đời sống đều nghĩ đến khía cạnh y tế. Đối với an toàn trong sản xuất, người ta nghĩ đến dòng cung ứng - chuỗi cung ứng để quy trình sản xuất không đứt gãy.
Điểm thứ hai, dịch bệnh là câu chuyện của toàn cầu hóa, không ai đoán trước được và nó thay đổi, tác động nhanh, quy mô lớn, không phân biệt cường quốc hay nước nhỏ, người giàu hay người nghèo. Trước đại dịch, rủi ro là như nhau, không ai và nền kinh tế nào được “miễn nhiễm”.
Điểm tiếp theo, “bình thường mới” đó là khi cuộc sống đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, khả năng chống chịu và thích ứng. Những yếu tố đó kết hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nên cách thức tổ chức sản xuất thay đổi, cấu trúc sản xuất thay đổi, cách thức tiêu dùng, cách thức sống thay đổi, chuyển sang số hóa nhiều hơn, online nhiều hơn.
Điểm nữa, đó là “bình thường mới” có nhiều yếu tố, phải định hình đặc trưng cơ bản, đối mặt với nhiều rủi ro: dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là hệ quả và cũng là đặc điểm của cái gọi là “bình thường mới”.
Như vậy có thể nói, trong cuộc sống “bình thường mới” đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, khả năng chống chịu và thích ứng.
Vấn đề này cũng đã được Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM quán triệt khi kêu gọi toàn thể nhân dân thành phố cùng siết chặt tay, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, phong trào “Lấy sức dân chăm lo cho dân” đã được phát động tại TP HCM và huy động tất cả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh xã hội, giúp người nghèo, người neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và những người khó khăn bảo đảm cuộc sống cơ bản trong đại dịch cũng như khi thành phố chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”.
Cũng cần phải nói thêm rằng, không chỉ phong trào “Lấy sức dân chăm lo cho dân” mà từ trước đến nay, tại TP HCM cũng đã có nhiều phong trào thể hiện rõ tinh thần chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của người dân với nhau. Trong đó, phong trào “xóa đói giảm nghèo” trước đây, rồi “giảm hộ nghèo tăng hộ khá”, bây giờ là “giảm nghèo bền vững” đều có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, đồng thời phát huy được sức dân để chăm lo cho dân.
Chính người dân trong cộng đồng với nhau nên thường hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, từ đó có các biện pháp chia sẻ, giúp đỡ kịp thời, phù hợp và thiết thực. Việc tiếp nối truyền thống quý báu đó trong bối cảnh dịch COVID-19 và cuộc sống “bình thường mới” tới đây là rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn.