Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình hôm nay phải trả lời câu hỏi khá “nóng” của đại biểu, đó là vấn đề có quá nhiều án treo đối với loại tội phạm kinh tế và tham nhũng, cũng như sự chênh lệch giữa con số thống kê của ngành với thực tế về loại hình tội phạm này. "Tư lệnh" ngành kiểm sát còn bị chất vấn về tình trạng án kéo dài của một số vụ án điểm...
|
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. |
"Nóng" bởi chất vấn về án treo với tội phạm kinh tế, tham nhũng
Mở đầu phiên chất vấn, Viện trưởng đã gặp phải câu hỏi khá “nóng” của đại biểu, đó là vấn đề có quá nhiều án treo đối với loại tội phạm kinh tế và tham nhũng, cũng như sự chênh lệch giữa con số thống kê của ngành với bức xúc thực tế về loại hình tội phạm này. Người đứng đầu ngành kiểm sát cho biết: Theo thống kê, án kinh tế, án tham nhũng chiếm 30%, cao hơn các loại án khác 21%.
Viện trưởng công nhận “Đúng là tỉ lệ có cao hơn”. Nhưng theo lý giải của Viện trưởng, với án Kinh tế, chính sách hình sự là chú trọng giải quyết hậu quả kinh tế. Dó đó, hình phạt tù không phải là mục tiêu chính, khi mà hậu quả về kinh tế đã được giải quyết hoặc có phương án khả thi để giải quyết.
“Với án tham nhũng, quả thực đến giờ này, mặc dù số lượng cao, nhưng chúng tôi cũng thống nhất khẳng định của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là tất cả các vụ xử án treo là đã vận dụng đúng pháp luật. Tuy nhiên, cũng có vụ chúng tôi có kháng nghị. Trong kỳ chúng tôi kháng nghị 39 trường hợp, Tòa cấp trên xem xét 26 trường hợp”, ông nói.
Viện trưởng VKSNDTC cũng đưa ra giải pháp cho tình trạng này là sẽ lưu ý quá trình xây dựng cáo trạng. Trong trường hợp tòa tuyên án treo, nếu không hợp lý sẽ tiếp tục kháng nghị lên cấp trên.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, theo quan điểm của ngành kiểm sát, hai tình tiết không nên vận dụng để giảm nhẹ hình phạt đối với tội tham nhũng là nhân thân tốt, và phạm tội lần đầu. “Đây là một giải pháp liên quan đến các chúng tôi sẽ có hội nghị với các ngành liên quan để giảm án treo đối với hai loại tội phạm này”, Viện trưởng nói trước Quốc hội.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về mục tiêu phát triển nguồn nhân lực với những kiểm sát viên “trái tim nóng, cái đầu lạnh, bàn tay sạch”, Viện trưởng VKSNDTC đã đưa ra rất nhiều biện pháp được coi là triệt để. Biện pháp trước mắt là ngành Kiểm sát đã đề nghị và được UBTVQH cho phép tăng biên chế ngành. Đó là nhu cầu cấp bách trước áp lực ngày càng tăng, tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp.
“Về mặt đào tạo, chúng tôi tăng cường đào tạo trong nước, đồng thời liên kết với cơ sở nước ngoài để có lực lượng chất lượng cao. Chúng tôi cũng đã đề nghị và có biện pháp thành lập ngành đại học kiểm sát và đã được chấp nhận. Đây là biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề”, Viện trưởng nói.
Liên quan đến chất lượng tranh tụng, mà đại biểu QH cho rằng vẫn còn quá yếu, mang nặng tính hình thức, Viện trưởng nhận định: nâng cao chất lượng tranh tụng là yêu cầu để xây dựng nền tư pháp mạnh.
"Do mới tiếp cận, trình độ của anh em, đặc biệt là ở cơ sở còn yếu nên tranh tụng còn chưa sắc sảo. Đây cũng là yêu cầu của Cải cách Tư pháp nâng cao chất lượng toàn ngành. Giải pháp không có cách nào khác là các cán bộ phải tự nâng cao ý thức, ngành phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo thêm, tổ chức ngày các nhiều các phiên tòa rút kinh nghiệm", ông Nguyễn Hòa Bình đề xuất.
Một giải pháp theo Viện trưởng có vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng tranh tụng là phải gắn công tố với điều tra, càng gắn chặt, chất lượng càng tốt.
Viện trưởng cũng phân tích thêm một nguyên nhân khách quan khiến việc tranh tụng còn chưa như mong muốn: Tranh tụng có sự tham gia của 3 bên: Tòa, Viện, Luật sư. Môi trường tranh tụng của chúng ta hiện nay đang rất hạn chế. Số vụ án hình sự có sự tham gia của LS mới chỉ 21%. 80% còn lại không có môi trường tranh tụng. Trong 21% thì ½ là LS chỉ định. Nửa còn lại là theo yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc gia đình. Nửa LS chỉ định cũng có vấn đề về LS.
“Giải pháp của chúng tôi về trước mắt là phối hợp với liên đoàn LS, đặc biệt là cơ quan điều tra đển LS được theo ngay từ đầu, tạo điều kiện thúc đẩy môi trường tranh tụng. Chỉ tiêu QH giao đến 90%, ngành có giải pháp gì mang tính đột phá để đạt, vượt chỉ tiêu QH giao”.
"Án điểm kéo dài" vẫn phải điều tra, xét xử cẩn trọng
Tiếp phiên chất vấn, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời nhiều vấn đề liên quan đến cơ cấu, công tác đặc trưng của ngành, cũng như đề nghị được đưa quan điểm về một số vụ án trọng điểm đang được dư luận quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn Viện trưởng về số đơn giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều, Viện trưởng cho biết: Theo quy định, chúng ta chỉ có 2 cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm nhưng hiện nay đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm quá nhiều, mỗi năm có vài chục ngàn vụ, hơn rất nhiều so với nước khác. Hướng giải quyết của ngành là chỉ những vụ án thực sự "đặc biệt” theo đúng quy định của pháp luật mới xem xét tái phẩm, giám đốc thẩm. “Rất nhiều vụ chúng tôi đã trả lời là không đủ điều kiện kháng nghị, vì nó không đặc biệt”, Viện trưởng VKSTC nói.
Về câu hỏi của địa biểu tỉnh Điện Biên liên quan đến tỷ lệ hủy bản án hình sự không căn cứ. Viện trưởng phân tích: Do tăng cường kiểm sát điều tra ngay từ ban đầu, nên tỷ lệ hủy án không căn cứ ngày càng nhiều. Mong muốn là không hủy nữa, 100% án đã khởi tố là có căn cứ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành kiểm sát cần phải có thời gian.
“Thực tế quá trình điều tra, khởi tố không phải là đã khẳng định có tội. Phải kết thúc quá trình xét xử mới biết có tội hay không”, Viện trưởng diễn giải thêm. Ông cũng cho biết, ngành kiểm sát đã phối hợp với ngành công an, tòa án để ban hành thông tư vận dụng điều 25 Luật TTHS liên quan đến điều kiện đình chỉ vụ án.
“Tất cả những vụ án đình chỉ cho thấy Luật không làm chủ được hết, không bao gồm được hết các điều kiện. Ví dụ vụ án Nông trường sông Hậu chúng tôi đã vận dụng, nhưng nếu áp dụng điều 25 thì không phải là toàn vẹn lắm. Theo quan điểm của chúng tôi và cơ quan điều tra thì khi sửa luật TTHS, sẽ phải sửa điều 25”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Viện trưởng VKSNDTC cũng cho biết trong phiên chất vấn: sẽ không chuyển viện KS thành viện Công tố như ý kiến đã từng đề nghị: “Chúng tôi đã có đề án nghiêm túc, và báo cáo kết luận đề án là không chuyển mà giữ nguyên tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay”.
Trước nỗi bức xúc của đại biểu Đỗ Văn Đương (Hải Dương) về tình trạng án kéo dài một số vụ án điểm, cụ thể là "vụ án vườn mít", Viện trưởng nói: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhiều người quan tâm. Dư luận xót xa cho Lê Bá Mai, như vậy là chưa đủ. Có ai xót xa cho gia đình cô bé nạn nhân?. Do đó, cần phải tiến hành điều tra xét xử một cách thật cẩn trọng. Sau phiên họp này, chúng tôi sẽ hợp liên ngành, và sẽ có đánh giá trước khi phiên tòa phúc thẩm tại TP HCM diễn ra”.
Viện trưởng cũng hứa sẽ trả lời cụ thể trong một dịp khác vì thời gian của buổi chất vấn không cho phép phân tích kỹ các vấn đề của vụ án này.
Liên quan đến việc thành lập Đại học Kiểm sát, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, ngành đã có những tính toán rất đầy đủ. Số cán bộ trong ngành nghỉ tự nhiên hàng năm là khoảng 800 người. Quy mô đào tạo, năm tới dự định đào tạo 400, nguồn thiếu sẽ lấy từ các cơ sở đào tạo khác.
Trong phiên làm việc sáng nay của QH, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ CA cũng đã cùng trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn. Sau đó, Phó Thủ tướng cũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nhật Thanh