Cảm tử phá bom ở chiến trường đánh Pháp
Ông Cao Xuân Thọ sinh năm 1926, quê xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1946, chàng trai trẻ Cao Xuân Thọ xung phong vào Đội tự vệ Thủ đô. Năm 1947, ông gia nhập Đại đoàn 308, Trung đoàn 108 phục vụ Chiến dịch Thu Đông; năm 1949 - 1951, phục vụ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, sau đó được cử sang Trung Quốc học chuyên ngành quân báo.
Năm 1953, Đoàn thanh niên xung phong (TNXP) được thành lập với mật danh Đoàn X-P. Đoàn quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm gồm hai đội TNXP 40 và 34 được điều ra bảo vệ Đường 13 (từ Yên Bái lên Điện Biên) và Đường 41 (từ Khu 4 đi Hòa Bình và lên Điện Biên) phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai đội làm nhiệm vụ phá, hủy bom thông đường để bộ đội và dân công vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch.
Ông Cao Xuân Thọ được cử làm Đội trưởng Đội phá bom (Đội 40), Đại đội 404 phụ trách phá bom, thông đường tại ngã ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) và đường ngầm Hát Lót (Sơn La). Nếu ngã ba Cò Nòi bị tắc thì không thể vận chuyển được xe, pháo, lương thực, đạn dược, vũ khí ra mặt trận Điện Biên Phủ nên quân địch tập trung đánh phá ác liệt, nhằm cắt đứt sự chi viện của quân, dân ta với chiến dịch.
Số lần quân Pháp đánh phá ngày một dày đặc, quy mô bán kính ngày một lớn, cứ 13 phút, địch lại ném bom bắn phá một lần. Thời điểm ấy, quân địch thả xuống ngã ba Cò Nòi 5 loại bom gồm: Bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom napal và bom cối xay, trong đó loại bom bươm bướm là nguy hiểm nhất, bởi tính chất và hoạt tính hóa học của nó.
Bom bươm bướm được thiết kế bằng một quả bom mẹ chứa khoảng 200 quả bom con, mỗi quả bom con có 4 cánh bọc. Khi quả bom mẹ rơi, thùng phuy đựng 200 quả bom con mở ra. Quả bom con ra ngoài không khí, gặp gió cánh bung ra và bay đi khắp nơi trên diện tích rộng. Do đặc tính cấu tạo là bay như bươm bướm, nên có khi nó rơi xuống mặt đất nhưng có lúc nó “đậu” trên cành cây, vách đá, ở những nơi khó phát hiện mà chỉ cần cơn gió mạnh thổi rung cành cây hoặc bộ đội vô tình chạm phải là phát nổ.
Anh hùng Cao Xuân Thọ (ngoài cùng bên phải) tại Đại hội liên hoan anh hùng, Chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7/7/1958. (Ảnh: Tư liệu). |
Ông Thọ nhớ lại: “Có ngày địch ném xuống ngã ba Cò Nòi hơn 300 quả bom các loại, với trọng lượng khoảng 69 tấn thuốc nổ. Nhiều lúc tôi cùng các chiến sĩ trong Đội phá bom 404 chưa phá xong loạt bom nổ chậm vừa rải, quân địch đã tiếp tục thả bom mới xuống. Bom chồng bom thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, núi rừng rung chuyển, đất đá văng khắp nơi, hòa lẫn trong đó không ít máu, xương của các chiến sĩ TNXP mở đường”.
Khi đó dụng cụ phá bom mà Đội trưởng Cao Xuân Thọ và các chiến sĩ TNXP sử dụng rất thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng và thuốc nổ. Người phá bom là những người cảm tử. Lần nào đi phá bom cũng xác định mình có thể sẽ chết. Nhiều đồng đội của Cao Xuân Thọ đã anh dũng hy sinh, có người bị bom nổ thân thể không còn nguyên vẹn. Bản thân ông đã nhiều lần bị bom nổ, bị vùi trong đất đá. Trong một lần bị bom nổ vùi lấp dưới lớp đất đá, được đồng đội đào lên, may mắn còn sống nhưng sau lần đó ông bị mất đi 3 đốt xương sống lưng.
Vừa chỉ huy vừa trực tiếp phá bom, Đội trưởng Cao Xuân Thọ và đồng đội hiếm khi được mặc bộ trang phục khô ráo, chân tay lúc nào cũng lở loét, thế nhưng với tinh thần tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, không sợ hy sinh, gian khổ, với bản lĩnh kiên cường và sự sáng tạo, Cao Xuân Thọ đã cùng đồng đội ngày đêm bám đường, phá hủy hết quả bom này đến quả bom khác do địch thả xuống. Ông Thọ bảo: “Bom đạn địch không thắng nổi ý chí của anh em chúng tôi. Các đại đội đã hạ quyết tâm “TNXP còn thì mạch máu giao thông được giữ vững”. Có những đêm mưa rét, TNXP phải nhịn đói chống lầy, dùng sức người đẩy ô tô chết máy qua đèo”.
4 lần làm lễ “truy điệu sống”
Trong cuộc đời mình, ông Thọ đã có 4 lần được đồng đội làm lễ “truy điệu sống” trước khi phá bom ở những vị trí hiểm yếu. Kỷ niệm ông Thọ nhớ nhất là lần uống nước mắm chống rét để phá bom. Đó là vào một buổi chiều tháng 3/1954, Đội trưởng Thọ nhận được lệnh cấp trên về hỗ trợ gỡ bom nổ chậm ở cầu Tà Vài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La) với độ sâu gần 4m.
Giữa thời tiết lạnh giá của núi rừng Tây Bắc, mệnh lệnh của cấp trên phải phá được bom trước 18h để vận chuyển quân lương vào chiến dịch. Ông Thọ kể: “Đồng chí Trần Văn Cam lặn xuống thăm dò nhưng ngoi lên luôn vì rét quá. Chợt nhớ đến kinh nghiệm của người dân đi biển, tôi liền xin chỉ huy vài lít nước mắm nguyên chất rồi nhắm mắt uống liền 3 - 4 bát. Sau một hồi lặn xuống, tôi phát hiện quả bom nằm trong khe đá.
Trước khi lặn, tôi dùng dây rừng buộc vào người rồi thống nhất, lúc nào ốp được bộc phá vào ngòi, đấu dây cháy chậm xong thì giật ba lần để anh em kéo lên bờ. Sau 10 phút kích nổ, một tiếng nổ vang trời, bọt nước tung trắng xóa cao hàng chục mét. Cầu Tà Vài được thông, làm tôi quên mất cái lạnh, quên cả những hiểm nguy vừa trải qua”.
Cựu chiến binh Cao Xuân Thọ tự hào cho biết, sau lần phá bom đó, Đội của ông được tặng thưởng Huy chương Chiến công, còn ông thì vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba.
Ông Cao Xuân Thọ. (Ảnh: Ngọc Hưng) |
Vinh dự 4 lần gặp Bác Hồ
Ông Thọ kể, trong cuộc đời người lính, niềm vinh dự nhất của ông là 4 lần được gặp Bác Hồ, lần gặp nào, ông cũng được Bác hỏi thăm, căn dặn, khen thưởng. Lần đầu tiên gặp Bác là tháng 12/1953, ông Thọ cùng đồng đội về Chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) yêu nước. Ông Thọ kể: “Lần đầu gặp Bác, tôi vừa hồi hộp, vừa vui. Bác nói với chúng tôi: “Các chú được chuyển sang đoàn TNXP Trung ương, công việc có khó khăn, chiến đấu phải hy sinh xương máu nhưng Bác tin các chú đầu tàu gương mẫu sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách”. Rồi Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ gắn Huy hiệu Bác Hồ tặng ba chúng tôi là Cao Xuân Thọ, Nguyễn Văn Kích và Nguyễn An Tiêm”.
Lần thứ 2 công Thọ được gặp Bác Hồ là sau tiếp quản Thủ đô vào năm 1954. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Đội trưởng Thọ cùng 15 CSTĐ về dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn đoàn TNXP tại Hà Nội.
Năm 1955, Đội trưởng Thọ được gặp Bác Hồ lần thứ 3. Sống ở nơi bom đạn khốc liệt cày nát, xung quanh không còn màu xanh, nhớ lời Bác dạy “thực túc binh cường”, cả đại đội TNXP phát động phong trào tăng gia sản xuất. “Khi đến Phủ Chủ tịch, Bác rất vui, rồi khen chúng tôi không những bảo vệ, làm đường giỏi, phá bom giỏi mà sản xuất cũng rất giỏi. Trong lần gặp này, Bác đã tặng Cờ thi đua cho đại đội của chúng tôi”, ông Thọ kể.
Lần cuối cùng ông Thọ gặp Bác là dịp ông cùng 11 đồng chí của hai Đội TNXP 34 - 40 được về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội liên hoan Anh hùng CSTĐ công - nông - binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7/7/1958. Ông Thọ xúc động nói: “Người ta được gặp Bác một lần đã thấy mình rất hạnh phúc và vinh dự, còn tôi vinh dự hơn khi được gặp Bác 4 lần, đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một người lính”.
Hơn nửa đời người sinh sống tại Hà Nội, năm 2010, ông trở về quê nhà Hoằng Giang, sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ với người con trai cả. Thời điểm khỏe mạnh, ông Thọ nuôi con lợn, con gà, trồng rau, hưởng những ngày tháng an nhiên, tự tại của tuổi già. Vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước, ông Thọ thường được mời đến các trường học trên địa bàn để nói chuyện lịch sử.
Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội trưởng Cao Xuân Thọ đã trực tiếp phá được trên 100 quả bom các loại, vinh dự được Bác Hồ tặng 3 lần huy hiệu của Người, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, CSTĐ toàn quốc của lực lượng công - nông - binh… Với những đóng góp của mình cho đất nước, năm 2014, ông Cao Xuân Thọ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.