Trong quá trình lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng pháp luật và dùng pháp luật để quản lý xã hội. Ngay từ thời nhà Lý đã ban hành bộ Hình thư; nhà Trần có bộ Hình luật; thời nhà Hồ chủ trương xây dựng nhà nước quân chủ pháp trị. Đến nhà hậu Lê đã công bố Luật Hồng Đức- là bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam… Nhưng người khởi xướng những quan điểm về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân chính là Hồ Chí Minh. Từ rất sớm, Người đã nhấn mạnh yêu cầu:“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, tức là Bác đã khẳng định sự tất yếu phải xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Mới đây, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về“Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nghị quyết chỉ rõ: Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Dưới ánh sáng pháp quyền, mọi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm... Điều này cũng có nghĩa, ở đâu có ánh sáng pháp quyền thì ở đó có tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tinh thần đó còn biểu hiện ở việc Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp vào việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự quốc tế, khu vực; thể hiện trách nhiệm trước các vấn đề khu vực, quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng từng khẳng định trước bạn bè quốc tế: Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP) 26, Việt Nam đã nắm bắt được xu thế, đi trước một bước khi cam kết đến năm 2050, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nâng cao vị thế của đất nước không chỉ về chính trị.
Cũng nhờ tư tưởng pháp quyền trên tinh thần “thượng tôn Hiến pháp và pháp luật”, chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Niềm vui ấy vẫn được nối tiếp và cuộn chảy trong mạch nguồn dân tộc khi năm 2023, Việt Nam bắt đầu đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc với nhiệm kỳ thứ hai tới năm 2025 (sau nhiệm kỳ thứ nhất từ 2014-2016).
Trên tất cả, Nhà nước pháp quyền là sản phẩm và mong ước chung trong sự phát triển của xã hội loài người. Bởi vậy, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Điển hình là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hàng chục triệu người nghèo đã được Đảng và Nhà nước đảm bảo an sinh; trong 2 năm (2020-2022), Nhà nước cũng cứu trợ khẩn cấp trên 200.000 tấn gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt…
* * *
Có thể khẳng định, trong thành công chung của đất nước thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ: Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và những yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đặt Bộ, ngành Tư pháp đứng trước những thời cơ, thách thức mới, với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao.
Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ và Việt Nam bước vào“sân chơi”lớn với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết… Ở đó, ánh sáng pháp quyền chính là nguồn lực và cội nguồn sức mạnh để Việt Nam phát triển và hội nhập. Và Nghị quyết 27-NQ/TW là cơ sở chính trị hàng đầu, là kim chỉ nam thắp sáng cho mọi hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp trong việc góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một mùa xuân mới đang về. Bước vào tuổi 38, Báo Pháp luật Việt Nam vững vàng chuyển mình cùng mùa xuân của Đất nước với những khát khao vươn tới những tầm cao mới để bắt kịp nhịp đập của báo chí cách mạng. Xứng đáng “là một trong những tờ báo uy tín, đi đầu trong công tác truyền thông pháp luật, có vị trí vững chắc trong lòng bạn đọc” như ghi nhận của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.
Mang trọng trách “phụng công, thủ pháp”, Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ làm tốt vai trò truyền thông pháp luật với nhiều cách làm sáng tạo, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, mà còn ghi dấu ấn với nhiều chương trình có giá trị lan tỏa cao, như “Gương sáng pháp luật”, “Gương sáng Tư pháp”, “Doanh nghiệp, doanh nhân thượng tôn pháp luật - phát triển bền vững”; chương trình“Chung tay xóa nghèo pháp luật hướng về biên giới, biển đảo”…
Suy cho cùng, những việc làm ấy cũng nhằm lan tỏa tinh thần và ánh sáng pháp quyền vào đời sống xã hội để phụng sự lẽ phải, sự công bằng, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn... Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả mà Báo đã và đang thực hiện từ nhiều năm nay: “Vì Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam”