Áp dụng tối đa cơ chế thị trường, hạn chế “xin – cho” quyền khai thác khoáng sản

(PLVN) - Chiều 20/6, cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo áp dụng tối đa các cơ chế thị trường trong hoạt động khai thác khoáng sản để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp.

Tránh tạo khoảng trống pháp luật

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích, chế biến khoáng sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này được hiểu là một công đoạn trong quá trình khai thác khoáng sản; hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư để cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, công nghiệp khai khoáng thông thường được hiểu bao gồm các chuỗi hoạt động kinh tế có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.

Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế…

Do đó, Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ lý do loại trừ hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư để cấp giấy phép khai thác khoáng sản ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này, tránh dẫn đến khoảng trống pháp luật, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản.

Đồng thời, rà soát, làm rõ hơn phạm vi, nội dung về chế biến khoáng sản, các hoạt động thuộc chế biến khoáng sản cần được điều chỉnh tại Luật này ngoài các quy định tại các điều 80 và 81 của dự thảo Luật,bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan.

Về quy hoạch khoáng sản, Đại biểu Đỗ Đức Hiển chỉ ra rằng, khoản 1 Điều 13 quy định quy hoạch khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia gồm có Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I và Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II.

Đây là quy định mới so với pháp luật hiện hành. Do vậy, Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này đối với công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển.

Đồng thời, làm rõ hơn cơ sở của việc xác định các loại quy hoạch khoáng sản; nội dung quy hoạch khoáng sản có bao gồm “chế biến và sử dụng” khoáng sản như các quy hoạch khoáng sản mới được lập theo Luật hiện hành không và lý do bỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ.

Bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Điều 15 dự thảo Luật quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II.

Theo Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định Công tác quản lý quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phải có tầm nhìn chiến lược…, có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản.

Thực tế cho thấy, việc khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến do liên quan đến nhu cầu sử dụng của các ngành chế biến; nhu cầu của các ngành chế biến sẽ quyết định quy mô, công suất của hoạt động khai thác.

“Hiện nay, hoạt động chế biến, sản xuất, sử dụng, kinh doanh khoáng sản nhóm I,II đang được Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quản lý. Do đó, việc quy định giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng”, Đại biểu nêu quan điểm.

Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, điểm d khoản 2 Điều 104 quy định trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quy định là tiêu chí xác định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cho rằng quy định này là chưa phù hợp, Đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ các trường hợp này tại dự thảo Luật để bảo đảm công khai, minh bạch.

Một số ý kiến cũng đề nghị, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản.

Ý kiến này đề xuất tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) chỉ ra rằng, dự thảo Luật giao Chính phủ hướng dẫn thi hành 51 điều, khoản, điểm/117 điều, chiếm 43,58%; chưa kể nội dung giao cho Bộ, ngành và địa phương.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại, những nội dung nào cần cụ thể hóa thì quy định luôn trong dự thảo Luật, hạn chế tối đa việc khi Luật ban hành có hiệu lực rồi phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Đọc thêm