Công tác tổ chức chủ động, chuyên nghiệp
Theo UBND thành phố, từ tháng 12/2014, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo thành phố khẳng định, đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao (TLCC) APEC 2017 là cơ hội để Đà Nẵng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tiếp theo, đồng thời cũng là cơ hội để trở thành thành phố động lực, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Ngay sau đó, hàng loạt công trình APEC được khởi công xây dựng mới, đầu tư cải tạo từ nguồn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp: Nhà ga quốc tế mới, Trung tâm Báo chí Quốc tế, Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm hành chính thành phố, Công viên APEC… Nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp, tôn tạo cảnh quan, bổ sung cây xanh, thảm cỏ…
Đặc biệt, sự chủ động, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua là yếu tố rất quan trọng cho thành công chung của TLCC. Cụ thể, thành phố đã huy động sự đầu tư hệ thống cơ sở vật chất của các doanh nghiệp với số tiền hàng ngàn tỷ đồng để đón khách như Nhà ga quốc tế - Sân bay quốc tế Đà Nẵng) và tổ chức các sự kiện như: Hội nghị các nhà lãnh đạo (Intercontinental), gala dinner của Chủ tịch nước (Sheraton), Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao- kinh tế (Vinpearl), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Ariyana)…
Ngoài ra, Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai các hoạt động riêng của thành phố, bên lề TLCC: Cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm, du lịch, quà tặng APEC thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia; Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 (14-15/10/2017) thu hút hơn 1.200 đại biểu tham gia, với tổng số 25 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký, cấp quyết định chủ trương đầu tư, thông báo nghiên cứu đầu tư, 11 dự án được trao quyết định cho vay hoặc thỏa thuận cho vay, với tổng số vốn đạt hơn 35.000 tỷ đồng.
Kết quả, bên cạnh Hội nghị quan chức cấp cao, TLCC đã chứng kiến thành công của hàng loạt sự kiện: Diễn đàn tiếng nói tương lai (VOF), Hội nghị tổng kết của các quan chức cao cấp APEC (CSOM), Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế, Lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Đối thoại cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN, Biểu diễn nghệ thuật chào mừng hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và tiệc chiêu đãi phu nhân/phu quân…
Tận dụng cơ hội, phát huy động lực mới
Bên cạnh chương trình nghị sự về thương mại, du lịch, đầu tư quốc tế, TLCC APEC cũng là dịp để tăng cường trao đổi những giá trị văn hóa nghệ thuật. Hình ảnh phu nhân Thủ tướng Papua New Ghine, phu nhân Thủ tướng Thái Lan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hình ảnh Thủ tướng Úc thưởng thức bánh mì tại một quầy bánh mì bình dân và chụp ảnh giao lưu với người dân Đà Nẵng đã thể hiện điều đó.
Công viên APEC, được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa TLCC APEC với các bức tượng đậm nét nghệ thuật và mang những thông điệp ý nghĩa đến từ các nền kinh tế APEC, kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến văn hóa và du lịch hấp dẫn của thành phố trong tương lai.
Nhưng trên hết, theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, sau TLCC APEC, điều Đà Nẵng đạt được là hình ảnh đẹp về con người Đà Nẵng trong lòng các đại biểu. Không chỉ ở chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”, các khóa tập huấn ngoại ngữ, trang bị kỹ năng cho sự kiện… ở đây còn có sự đoàn kết, đồng thuận của người dân, cán bộ công chức toàn thành phố. Cơn bão Damrey với sức tàn phá lớn ngay trước thềm sự kiện, nhưng chỉ trong 1 ngày (5/11), toàn thể người dân, doanh nghiệp, cán bộ, chiến sĩ đã đồng loạt xuống đường, bất chấp mưa gió để dọn dẹp, giúp thành phố sạch sẽ, ngăn nắp trở lại, kịp thời đón khách APEC.
Những ngày diễn ra sự kiện APEC, dù phải nhường đường cho các đoàn xe, dù gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, song người dân Đà Nẵng vẫn nghiêm túc chấp hành. Công an và các đơn vị hỗ trợ làm việc gần như không nghỉ trên các tuyến đường để điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các đoàn khách APEC; góp phần giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh Đà Nẵng - “thành phố an bình”.
Thành công tại TLCC APEC, ngoài khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, còn góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vị thế của TP Đà Nẵng trong quan hệ đối ngoại, hướng đến thương hiệu “Thành phố của những sự kiện”. Do đó, theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, ngành ngoại vụ, văn hóa thể thao, du lịch, xúc tiến đầu tư, công thương... cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch đăng cai, tổ chức các sự kiện tầm cỡ trên địa bàn thành phố, khai thác tối đa hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất hiện đại mà thành phố đã có sau TLCC.
Đáng chú ý, APEC 2017 đã đưa hàng ngàn giám đốc và doanh nghiệp hàng đầu, nhiều tập đoàn lớn đến thăm và làm việc với Đà Nẵng. “Đây thật sự là cơ hội tuyệt vời để thu hút đầu tư vào thành phố, vấn đề còn lại nằm ở sự chủ động của hệ thống chính quyền và các doanh nghiệp. Do vậy, tôi kêu gọi chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng sớm triển khai các kế hoạch để tận dụng các có hội đầu tư, hợp tác kinh doanh, tiếp tục đưa các sự kiện hàng đầu thế giới đến với Đà Nẵng”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.
Với những thành công của TLCC APEC, tại Chương trình Hội đồng Nhân dân với cử tri, ông Huỳnh Đức Thơ thay mặt chính quyền đã phát đi lời cảm tới Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt, với toàn thể các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, chiến sỹ, tình nguyện viên.
Đồng thời, Chủ tịch thành phố cũng kêu gọi toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và những động lực mới sau TLCC, để đưa thành phố của đến với những thành công rực rỡ hơn, hòa nhịp với sự phát triển chung của khu vực và thế giới.