Giá thấp mà chất lượng
Xác định nhu cầu của người thu nhập thấp vẫn rất cao, công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam chọn đối tượng là công nhân ở thành thị và nông dân ở vùng nông thôn. Trong một buổi ra mắt sản phẩm mới gần đây, ông Phạm Văn Tam, giám đốc Asanzo cho biết: “Tại thị trường Việt Nam, nhiều người vẫn đang dùng tivi 25 inch trở xuống. Thậm chí, không ít gia đình vẫn dùng chiếc tivi dày cộm từ rất lâu đời. Do đó, nhu cầu sở hữu một chiếc tivi mới giá rẻ ở khu vực nông thôn và khu vực công nhân còn rất cao.”.
Hàng giá rẻ của Trung Quốc chỉ được các yếu tố “rẻ” và “hiện đại” nhưng độ bền thì không. Đã không bền mà lại không có trạm bảo hành, khách hàng không có chỗ để sửa chữa, phải chấp rủi ro cao. Người thu nhập thấp muốn rẻ, muốn hiện đại nhưng cũng muốn sản phẩm phải bền. Asanzo Việt Nam đã giải thành công bài toán này với lần lượt các tham tố nêu trên, khiến người Trung Quốc không thể làm mưa làm gió như trong lĩnh vực tivi như ở các mặt hàng khác.
Về yếu tố hiện đại, Asanzo sản xuất những dòng tivi tương đương các dòng tivi mà các hãng tên tuổi ở phân khúc cao đang sản xuất. Thế nhưng làm sao để rẻ? Ông Tam cho biết “Asanzo cải tiến hoặc giảm bớt các tính năng xa xỉ không cần thiết với người thu nhập thấp. Đồng thời, Asanzo tự nhập khẩu linh kiện trực tiếp từ các nhà sản xuất, bỏ qua khâu trung gian. Nhờ vậy một chiếc tivi của Asanzo rẻ hơn sản phẩm cùng loại của thương hiệu khác khoảng 30 – 50%, trong khi chất lượng sử dụng khá tương đồng.”.
Dòng tivi Led của Asanzo hiện được xem là rẻ nhất tại Việt Nam với giá bán chỉ trên dưới 3 triệu đồng cho một chiếc tivi Full HD. Và năm 2015, chỉ sau 1 năm ra đời, Asanzo xuất xưởng và tiêu thụ hết khoảng 250.000 chiếc tivi các loại, và năm 2016 này dự kiến khoảng 500.000 chiếc. So với sức tiêu thụ mỗi năm khoảng 3,5 triệu chiếc tivi trên toàn thị trường Việt Nam thì thị phần của Asanzo khá ấn tượng.
Nhận định một cách khách quan, hàng điện tử Asanzo giá thấp chứ không phải giá rẻ. Nếu so sánh chi li, người dùng sẽ thấy hàng của Asanzo không rẻ hơn nhưng lại dễ chấp nhận vì nhu cầu của hàng phân khúc bình dân chỉ chừng đó đối với sản phẩm. Và Asanzo được thị trường chấp nhận.
Nếu chỉ ở 2 yếu tố trên thì chưa thể vượt mặt được hàng Trung Quốc. Yếu tố mang tính vượt trội là bền. Độ bền vật lý trong từng sản phẩm và độ bền trong cả tâm lý người tiêu dùng. Linh kiện được nhập khẩu ngay chính những nơi mà các nhãn hiệu nước ngoài tên tuổi trên thị trường Việt Nam đang nhập. Điều này khiến chất lượng linh kiện được bảo đảm, đồng nghĩa với sản phẩm có độ bền tương đương với hàng phân khúc cao cấp; Bên cạnh đó, Asanzo tổ chức được mạng lưới bảo trì trên khắp thị trường.
“Thị trường mở đến đâu thì có đội ngũ bảo trì ở đó. Khách hàng hoàn toàn yên tâm về trường hợp sản phẩm bị hư hỏng do nguyên nhân khách quan hoặc do trục trặc kỹ thuật.” – ông Tam cho biết.
Một điều thú vị nữa là trạm bảo trì của Asanzo có thể đáp ứng được nhu cầu sửa chữa cho những khách hàng đang dùng sản phẩm của các hãng khác có cùng nguồn linh kiện. “Ngay cả khách hàng đang sử dụng tivi Samsung cũng có thể đem đến trạm của Asanzo để thay màn hình.” – ông Tam chia sẻ. Và nhờ Asanzo nhập khẩu linh kiện trực tiếp nên khách hàng cũng được lợi hơn về giá thay linh kiện.
Hiện nay, sản phẩm của Asanzo không chỉ là tivi mà đã mở rộng ra điện lạnh (máy điều hòa), điện gia dụng (nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bếp hồng ngoại/điện từ, lò nướng, bình thủy tinh điện…). Tất cả đều nằm trong chiến lược chung của Asanzo là hiện đại, rẻ và bền.
Doanh nhân Phạm Văn Tam |
Truyền cảm hứng
Với thành công của mình, Phạm Văn Tam trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đang hoặc bắt đầu khởi nghiệp.
“Tuyệt vời!”; “Chúc mừng sự thành công của anh, em khâm phục sự kiên nhẫn và nguyên tắc kinh doanh của anh.”; “Quá nể phục anh luôn, tự hỏi 12 năm nữa tôi sẽ là ai?”; “Rất ngưỡng mộ anh”; “Rất xuất sắc, có cơ hội gặp anh là niềm hạnh phúc của tôi”… là những lời bình luận dễ thấy trên một tờ báo bạn khi đăng bài về sự nỗ lực của Phạm Văn Tam trên hành trình xây dựng Asanzo.
Tam sinh năm 1980, xuất thân từ một gia đình nghèo. Nhưng quê Tam lại ở Móng Cái (Quảng Ninh) – nơi “nhà nhà đi buôn, người người đi buôn" nên Tam sớm tiếp xúc với môi trường mua bán hàng điện tử từ Trung Quốc tràn về Việt Nam.
Sau vài năm lần dò phương hướng sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tam chọn Sài Gòn làm điểm đến. Và tất nhiên, ở Sài Gòn thì chợ điện tử Nhật Tảo mới là môi trường thuận lợi cho con dân hàng điện tử xứ Móng Cái. Ban đầu Tam chỉ là người đi mua hàng cho bạn hàng kiếm chênh lệch. Tam đi từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia cho đến Nhật Bản, Thái Lan… Nhờ có kinh nghiệm chọn hàng nên mối mang ngày càng nhiều.
Cũng phải thừa nhận là đời Tam gặp may. Nếu chỉ đi áp tải hàng lấy chênh lệch thì hôm nay đã không có một Asanzo là nguồn cảm hứng của nhiều bạn trẻ. Lúc đó, một đại gia hàng điện tử bị “ngã ngựa” vì buôn lậu. Nguồn hàng ở chợ Nhật Tảo trở nên khan hiếm, Tam trở thành người quan trọng trong cộng đồng bạn hàng ở đây. “Ở chợ Nhật Tảo, người ta vẫn nói với nhau rằng, "làm tivi thì phải kiếm thằng Tam". Đấy là kết quả của những năm tháng trưởng thành ở chợ Nhật Tảo.” – Tam cho biết.
Đến khoảng năm 2014, khi đã đủ lực để cung cấp toàn bộ linh kiện cho việc sản xuất tivi cũng như các thiết bị điện tử và đã tích lũy được ít nhiều vốn liếng, Tam quyết định đầu tư nhà máy trị giá 20 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Tp. HCM) và cho ra mắt sản phẩm tivi mang thương hiệu Asanzo Việt Nam.
Đôi lần có một số nhà sản xuất Trung Quốc đến thăm nhà máy của Tam, sau khi được giới thiệu về cách làm của Asanzo, họ lắc đầu tự nhủ “Không thể làm được như thế!” – Tam kể.
Và thực tế, giữa tháng 05/2015, một doanh nghiệp điện tử lớn quốc tịch Trung Quốc đã thay đổi chiến lược tại thị trường Việt Nam. Theo đó, họ sẽ định vị lại sản phẩm để bước vào phân khúc cao hơn, sau thời gian dài thống trị thị trường tivi giá rẻ ở nông thôn Việt Nam.
Hàng chính ngạch rút lui, hàng tiểu ngạch không thể xâm nhập. Phạm Văn Tam đã chặn được bước tiến của hàng Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử.