Chiều tối 14/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 31 và các HNCC liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 15, Lễ ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư và Lễ bế mạc và chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Singapore tại Manila, Philippines.
Tại Phiên họp đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), các nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán tiến tới đạt được Hiệp định RCEP giữa ASEAN và 6 nước đối tác Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và New Zealand.
Trong bối cảnh khu vực Đông Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh và năng động nhất trên thế giới, các nhà Lãnh đạo nhất trí cho rằng một Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, cùng có lợi, tiêu chuẩn cao, hiện đại, cam kết cả gói nếu đạt được sẽ giúp thiết lập môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế công bằng cũng như hội nhập kinh tế của khu vực.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt, các nhà Lãnh đạo nhất trí sẽ chỉ đạo các Bộ trưởng và các nhóm đàm phán đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đàm phán trong năm 2018, với trọng tâm là các lĩnh vực tiếp cận thị trường, quy tắc và hợp tác, tăng cường tham vấn trong nước; đồng thời tìm cách tháo gỡ rào cản về chênh lệch trình độ phát triển, sự khác biệt về quy mô nền kinh tế, mức độ cam kết và thực thi của các nước thành viên.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 15, trên cương vị nước điều phối quan hệ, Thủ tướng đã thay mặt các Lãnh đạo ASEAN có bài phát biểu chung về kiểm điểm hợp tác và định hướng tương lai quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với Ấn Độ, Thủ tướng khẳng định tin tưởng và trông đợi vào sự ủng hộ và hỗ trợ của Ấn Độ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc đang định hình ở khu vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và Ấn Độ phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao kỷ niệm với nhiều kết quả cụ thể và thiết thực.
Sau các Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN đã cùng ký kết văn kiện “Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư”. Sau 10 năm khởi thảo và đàm phán, ASEAN đã đi đến thống nhất, cùng cam kết bảo đảm cho người lao động di cư được thụ hưởng những quyền và lợi ích cơ bản, bảo trợ xã hội, công lý và đối xử nhân đạo.
Đồng thuận sẽ thúc đẩy và là kim chỉ nam cho các hoạt động của Ủy ban ASEAN về Lao động di cư (ACMW), hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng trong ASEAN liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận lao động.
Việc ký kết văn kiện này đã phản ánh nỗ lực của ASEAN xây dựng một Cộng đồng thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Tại Lễ bế mạc và chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN 2018 cho Singapore, Singapore thông báo trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm tới dự kiến là “Nắm lấy tương lai, hướng tới một Cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo” với ưu tiên xây dựng một ASEAN tự cường, giữ vững vai trò trung tâm, thúc đẩy sáng tạo và công nghệ.
Sau Lễ bế mạc và Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Singapore trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Manila về nước, kết thúc thành công chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.