Sự tranh chấp căng thẳng quyền phát sóng các giải đấu chuyên nghiệp VN giữa “bộ đôi” Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) - AVG và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) trở thành một trong những nội dung chính tại cuộc họp giao ban của Bộ VH-TT-DL sáng qua 3.1.
Ông Tô Văn Động, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ, cho biết: “Trước sự phản ánh liên tục của báo chí về bản hợp đồng 20 năm này, Bộ quyết định giao cho Tổng cục TDTT chỉ đạo VFF nghiêm túc báo cáo bằng văn bản về việc ký kết này. Hiện tại, Bộ chưa có kết luận AVG hay VPF đúng và khi chưa xảy ra chuyện ra tòa kiện tụng, Bộ vẫn để VFF chủ động giải quyết mọi việc. Vụ việc này là tranh chấp dân sự khi VFF ký hợp đồng với một đối tác, vì thế đó là việc nội bộ của VFF”.
Bản quyền truyền hình vẫn đang tiếp tục nóng khi càng ngày cho thấy AVG có nhiều dấu hiệu phạm luật.
Bộ không đặt ra thời hạn cho VFF nhưng được biết Tổng cục TDTT sẽ yêu cầu VFF báo cáo giải trình chậm nhất trong 10 ngày tới và còn phải làm rõ động cơ của VFF khi ký kết hợp đồng với AVG. Cũng theo đề nghị từ VPF, tổng cục chỉ đạo VFF phải làm rõ cơ sở pháp lý của bản hợp đồng, từ đó báo cáo lên Bộ để xin hướng xử lý. Thời điểm giữa năm 2010, VFF cũng xin ý kiến của Bộ chủ quản trước khi ký với AVG, song không hề đả động tới khoảng thời gian sẽ kéo dài tới 20 năm, nên nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương của Bộ.
AVG đòi VTC xin lỗi!
Trong khi VFF, AVG chưa chứng tỏ được tính hợp pháp của hợp đồng thì cũng trong ngày hôm qua, AVG lại có công văn phản đối VTC. Ở lượt trận đầu tiên Super League, khán giả cả nước đã được theo dõi trên kênh sóng của VTC trận đấu tại sân Ninh Bình giữa Ninh Bình và Đồng Tháp, mà nếu theo sự “cho phép” của AVG thì chỉ duy nhất đài truyền hình địa phương được sản xuất trận đấu này.
Công văn của AVG nêu: "Chúng tôi chính thức phản đối hành vi vi phạm của VTC và yêu cầu ngừng ngay việc vi phạm như đã xảy ra và bồi thường thiệt hại. VTC phải công khai thực hiện việc xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này".
Bản quyền truyền hình vẫn đang tiếp tục nóng khi càng ngày cho thấy AVG có nhiều dấu hiệu phạm luật. |
Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc VTC, phản bác: “AVG không có quyền đòi hỏi VTC phải xin lỗi. Nếu muốn kiện, AVG kiện VPF chứ không phải VTC bởi chúng tôi thực hiện sản xuất trận đấu dựa trên văn bản của VPF, đơn vị đã được VFF trao quyền điều hành các giải đấu chuyên nghiệp. Tôi xin trích dẫn một phần quan trọng của công văn này như sau: Nhằm phục vụ đông đảo người hâm mộ cả nước và quảng bá cho các giải chuyên nghiệp, VPF đề nghị VTV hỗ trợ VTC và các đài truyền hình địa phương có nhu cầu truyền hình các trận đấu”.
Ông Huy cũng khẳng định, ở lượt trận thứ 2 Super League, VTC cùng VTV sẽ có sự trao đổi để các bên có thể tự chọn cho mình trận đấu hấp dẫn đem đến cho khán giả và “các đài lớn sẽ không tường thuật các trận đấu trùng nhau để khán giả luôn có sự lựa chọn đa dạng, phong phú”.
Đại diện của VTV cũng quả quyết rằng VTV đang khẩn trương xúc tiến chọn những trận đấu hay nhất của lượt đấu thứ 2 để phát sóng trên kênh quảng bá cũng như trên truyền hình cáp của VTV. Ngoài ra, VTV cũng sẽ không “ích kỷ” ôm hết các trận mà sẽ chia sẻ quyền chọn trận cho VTC.
Về phía VPF, để bảo vệ các “thân chủ” của mình, VPF vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm sẽ cho phép các đài vào sân sản xuất chương trình.
AVG vi phạm luật bản quyền và luật báo chí?
Như đã phân tích ở một số bài báo trước, qua hợp đồng với AVG, VFF đã vi phạm luật TDTT và điều lệ hoạt động VFF. Theo phân tích của nhiều chuyên gia về luật, VFF còn vi phạm cả luật Dân sự, luật Bản quyền và luật Báo chí. Một cán bộ quản lý báo chí nói điều lệ VFF quy định VFF và các thành viên khác thuộc VFF (như các CLB) là đồng sở hữu các giải đấu chuyên nghiệp, chứ không phải VFF độc quyền. Theo luật Dân sự, các hợp đồng kinh tế phải được sự đồng thuận của các đồng sở hữu và ủy quyền bằng văn bản.
Trong công văn ngày 30.12, Chủ tịch VFF có cho biết hai đại diện CLB Bình Dương và Đồng Tâm Long An có chân trong BTC giải đã cùng tham gia thương lượng với AVG và đồng ý về thời hạn 20 năm. Không thể coi hai nhân vật này là đại diện cho 28 CLB chuyên nghiệp và hạng nhất.
Cũng theo vị cán bộ trên, VFF và AVG đã công khai vi phạm luật Báo chí ở chỗ, AVG chỉ là một doanh nghiệp được phép truyền dẫn, phát sóng các chương trình truyền hình chứ không phải là một đài truyền hình. Do đó, AVG không có quyền hoạt động báo chí, không được sản xuất tác phẩm báo chí (ở đây là trận đấu bóng đá). Vì thế, rất phi lý khi AVG đòi sở hữu độc quyền quyền phát sóng rồi bán lại cho các cơ quan báo chí chuyên nghiệp (các đài).
Ngoài ra, bản hợp đồng giữa VFF và AVG còn có thể vi phạm luật Bản quyền về tác phẩm văn học nghệ thuật vì VFF chưa chứng minh được AVG có được sản xuất chương trình hay chỉ đơn thuần là kinh doanh thương quyền giải đấu?
Theo Thanh Niên