Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9/1 thông báo dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ba tuần sau, virus hoành hành mạnh mẽ ở Trung Quốc, lây nhiễm gần 10.000 người và lan rộng trên toàn cầu, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Khi giới chức y tế cố gắng kiểm soát dịch, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải rút ra bài học từ những phản ứng ban đầu với dịch bệnh để kiềm chế hiệu quả và ngăn chặn những dịch có nguy cơ bùng phát sau này.
|
Nhân viên y tế tại bệnh viện đang điều trị bệnh nhân nghi nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Philippines ngày 31/1. Ảnh: AFP. |
Ở Trung Quốc, động vật hoang dã, cả sống lẫn chết, được bày bán công khai ở các khu chợ bán đồ tươi sống để làm thức ăn hay làm thuốc. Nhà kinh tế học Hu Xingdou cho biết người Trung Quốc có niềm yêu thích đặc biệt với việc ăn thịt động vật hoang dã. Thưởng thức các loại đặc sản như thịt, nội tạng động vật quý hiếm trở thành "thước đo" cho sự giàu có đối với một số người.
Năm 2002, dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng lên ở Trung Quốc, giết gần 800 người trên toàn cầu và ảnh hưởng đến 26 quốc gia. Năm 2017, các nhà nghiên cứu xác định virus gây ra dịch SARS có nguồn gốc từ dơi, truyền sang cầy hương được bán tại một chợ ở tỉnh Quảng Đông rồi lây sang người.
Việc buôn bán động vật hoang dã đã bị cấm ở Trung Quốc sau đại dịch SARS năm 2003, nhưng các biện pháp hạn chế đối với một số loại động vật hoang dã sau đó được nới lỏng.
Các nghiên cứu ban đầu về nCoV cho thấy virus gây dịch viêm phổi Vũ Hán có liên quan tới các mẫu virus corona có trên loài dơi Trung Quốc, nhưng chúng đã bị biến đổi trước khi lây sang người, theo CNN. Các nhà nghiên cứu cho rằng rắn hổ mang hoặc rắn cạp nong Trung Quốc đã ăn những con dơi này, sau đó bị bắt và bày bán tại khu chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, từ đó lây virus cho người ở chợ. Giới chức hồi đầu tuần phát hiện 33 trong số 385 mẫu vật ở chợ chứa axit nucleic của virus corona.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet ngày 29/1 của nhóm nhà khoa học thuộc Học viện Y khoa Sơn Đông, Trung Quốc, chủng virus corona mới rất giống với chủng virus corona gây bệnh SARS. Mặc dù được cho là vật chủ đầu tiên gây ra dịch, dơi không được bày bán tại chợ Hoa Nam và chúng đang trong thời gian ngủ đông khi dịch bùng phát. Điều này càng củng cố giả thuyết rằng rắn hoang dã là vật chủ trung gian lây bệnh sang người.
Điều này cho thấy việc dừng tiêu thụ động vật hoang dã có thể là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các bệnh dịch tương tự bùng phát. "Có những ổ chứa virus ẩn náu trong các loài động vật hoang dã và có nguy lây lan thành dịch bệnh ở người", Guizhen Wu thuộc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nói.
Virus corona được cho là xuất hiện ở Vũ Hán ngày 8/12, nhưng mãi ba tuần sau chính quyền địa phương mới thông báo cho người dân. Họ còn đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của dịch trong vài tuần sau đó.
Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng ngày 27/1 thừa nhận chính quyền thành phố đã không cung cấp thông tin kịp thời và thỏa đáng về dịch bệnh. Ông dường như muốn đẩy một phần trách nhiệm khi ám chỉ Bắc Kinh không cho phép quan chức địa phương thông báo với công chúng về dịch bệnh.
Việc chậm trễ công bố thông tin cũng từng xảy ra trong dịch SARS. Trường hợp nhiễm SARS đầu tiên được xác định ở miền nam Trung Quốc vào tháng 11/2002. Tuy nhiên, ngay cả khi căn bệnh lây lan rộng khắp tỉnh Quảng Đông, truyền thông Trung Quốc vẫn bị hạn chế đưa tin, bệnh nhân và người nhà bị ngăn nói về căn bệnh. Các quan chức hạ thấp mức nghiêm trọng của vấn đề vì không muốn gây tổn hại đến kinh tế và ổn định xã hội.
Cho đến khi Tưởng Ngạn Vĩnh, bác sĩ quân y Trung Quốc về hưu, vạch trần việc che đậy này vào đầu năm 2003, phần lớn Trung Quốc và phần còn lại của thế giới mới nhận thức được mối nguy hiểm thực sự. Nhưng khi đó SARS đã lan rộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch là "mối đe dọa toàn cầu". 8.000 người mắc bệnh trên toàn thế giới, phần lớn ở Trung Quốc. Hơn 700 người thiệt mạng ở 17 quốc gia. Chính phủ Trung Quốc sau đó xin lỗi vì thông tin chậm về dịch bệnh, bộ trưởng y tế nước này cùng thị trưởng Bắc Kinh bị cách chức.
Việc không công bố thông tin kịp thời là "không thể chấp nhận được" khi người Trung Quốc đi lại ngày càng nhiều ở trong nước và quốc tế, Peter Brookes, chuyên gia từ Heritage Foundation, viết. Để giảm thiểu sự lây lan của bất kỳ dịch bệnh nào, quốc gia có ổ dịch không chỉ phải phản ứng nhanh chóng mà còn cần minh bạch để cập nhật thông tin cho người dân và cộng đồng quốc tế.
Sự bùng phát của loại virus mới, nguy hiểm như nCoV là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Dịch đã lan sang 4 châu lục, do đó cần có sự phối hợp, hợp tác quốc tế để ngăn chặn sự lây lan ở Trung Quốc và nước ngoài.
Ngày 6/1, các quan chức Mỹ đã trực tiếp đề nghị cử một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đến Trung Quốc để giúp ngăn chặn và tìm hiểu dịch nhưng Bắc Kinh từ chối. Mỹ sau đó tiếp tục đề nghị nhưng các quan chức Trung Quốc vẫn không chấp nhận sự giúp đỡ.
Hiện có thông tin rằng Trung Quốc đang xem xét nhận giúp đỡ từ WHO. Nếu điều này là đúng thì đây cũng mới chỉ là bước đầu tiên trong việc hợp tác quốc tế. Thái độ ban đầu của Trung Quốc đối với hỗ trợ quốc tế đã kìm chân chính họ trong việc tìm cách đối phó với dịch bệnh hiệu quả hơn. Hành động đó cũng cản trở các quan chức y tế quốc tế tìm hiểu loại virus mới này.
CDC và các quan chức y tế nước ngoài chỉ có thể dựa vào các bài báo, thông cáo báo chí của chính phủ Trung Quốc hoặc các thông tin được lan truyền nhiều nhưng chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Họ cần được tiếp cận nhiều thông tin hơn để tìm hiểu về dịch bệnh hay xây dựng cách xử lý hiệu quả.
"Để đối phó với một cuộc khủng hoảng mới như thế này trong giai đoạn đầu, các nguyên tắc cơ bản phải áp dụng, bao gồm đảm bảo y tế công cộng tốt, minh bạch thông tin, sẵn sàng phối hợp và hợp tác quốc tế", Brookes viết. "Trung Quốc cần phải làm tốt hơn hoặc tất cả chúng ta có thể trả giá đắt".