Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, chờ đợi cùng với sự minh oan của pháp luật chính là “tin vui” về hạnh phúc riêng tư của ba chàng trai Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi. Đặc biệt với trường hợp của Tình, chàng trai đã mắc phải căn bệnh thế kỷ trong những ngày ở trại giam, liệu anh có tìm được “một nửa” của riêng mình, liệu có người con gái nào dũng cảm đến với Tình hay không?. Chúng tôi là những người đầu tiên được nghe họ “bật mí” về một nửa của mình cùng giấc mơ hạnh phúc.
Tình yêu vượt lên định mệnh
Những ngày cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu sửa sang nhà cửa đón Tết nên công việc ở đại lý sơn của Nguyễn Đình Tình vô cùng tất bật. Đang thoăn thoắt điều hành công việc thì Tình có điện thoại, chàng “doanh nhân trẻ” bối rối nghe máy, đỏ mặt ngượng ngùng do sự có mặt của chúng tôi. Chủ nhân cuộc điện thoại là Thủy - “một nửa” của Tình.
Ba chàng trai trầm ngâm khi nghĩ về điều gọi là “hạnh phúc”. |
Thủy quê Yên Bái, nhân viên làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ. Đầu năm 2010, một tối buồn ngồi lướt web, cô gái trẻ này đã được đọc câu chuyện oan khuất, éo le của Tình. Vô cùng xúc động và thương cảm, Thủy viết thư làm quen với Tình.
Ban đầu, sự tuyệt vọng, mặc cảm đã khiến Tình không dám mở lòng mình, nhưng rồi tình cảm chân thành của Thủy đã khiến anh thay đổi. Không biết từ bao giờ, Tình hồi hộp chờ mong những lá thư, những tin nhắn, điện thoại của cô gái chưa một lần gặp mặt nhưng lại rất đỗi gần gũi, thân thương.
Thế nhưng khi hẹn hò gặp gỡ, Tình vẫn không dám bày tỏ và đón nhận tình yêu của Thủy, vì anh sợ sẽ làm cho người yêu mình phải khổ. Nhưng Thủy bảo: “Em yêu anh và chỉ muốn sống bên anh trọn đời”. Cô quả quyết rằng tình yêu của cô cũng là một liều thuốc nhiệm màu.
Dường như quá nhiều đau khổ, oan trái cũng khiến cho gia đình Tình phải hoài nghi về cô gái lạ bỗng dưng đem lòng yêu sống yêu chết anh con trai trưởng của gia đình. Nhưng khi tìm hiểu, chính bố mẹ Tình lại đắng lòng khi được biết gia đình Thủy lúc đầu cũng không đồng thuận với tình yêu của con gái vì thấy rõ những khó khăn thử thách mà Thủy sẽ phải đối mặt nếu gắn bó với Tình.
Nhưng trái tim Thủy đã quyết tâm, yêu là lấy, khổ thế nào cô cũng cam lòng. Tính cách mạnh mẽ của Thủy có nét tương đồng với Tình - nhất định kêu oan chứ không xin giảm án, thà tìm đến cái chết để tự minh oan chứ không chịu nhận tội để được khoan hồng. Có lẽ vì thế mà họ mê đắm và quyết tâm gắn bó trọn đời với nhau.
Mới đây, Tình và gia đình lên Yên Bái, thăm gia đình Thủy để hai họ nhận nhau, bàn chuyện trăm năm cho đôi trẻ. Tuy vậy, khi nói về chuyện tương lai, Tình vẫn ngập ngừng. Anh bảo, khi “quyền công dân” vẫn đang bị treo thì chẳng dám mơ đến chuyện gì cả, muốn làm đám cưới nhưng không có giấy tờ tùy thân, nhân thân chưa rõ ràng như vậy ai xác minh cho, sẽ đăng ký kết hôn thế nào đây? Khi tôi muốn xin một tấm ảnh của Tình và Thủy để đăng báo thì Tình đã từ chối khéo: “Để dịp khác đi chị, khi nào bọn em làm đám cưới, chắc chắn sẽ mời chị chung vui!”.
Không thành duyên, chúng mình là bạn tốt
Trong số họ, có lẽ Nguyễn Đình Lợi là anh chàng đào hoa hơn cả. 10 năm trước, trong ba chàng thanh niên vương vòng lao lý thì Lợi là người duy nhất đã có mối tình đầu với một cô gái trên Cầu Gỗ tên Thương. Thương là cháu gái của thầy giáo Nguyễn Quý Long - chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm dạy nghề Phương Nam, nơi Lợi theo học nghề sửa chữa xe máy.
Dạo đó họ yêu nhau vụng dại “y như thời bao cấp”, thậm chí anh mới chỉ dám nắm tay Thương có vài lần. Mối tình trong sáng như pha lê đó đã khiến đôi trẻ đau khổ một thời gian dài khi Lợi phải đi thi hành bản án oan, mang theo lời hứa đợi đẫm nước mắt của người yêu vào trại.
Khi Lợi về thụ án ở Trại Thanh Xuân, Thương vẫn tới thăm và lần nào cô cũng khóc. Dù Thương quyết tâm hứa đợi, nhưng Lợi biết con gái có thì, không thể để người ta phải khổ vì mình nên chính anh đã khuyên Thương hãy đi lấy chồng, đừng hoài công chờ Lợi nữa làm gì. Và những lần sau, khi biết Thương đến thăm thì anh dứt khoát tránh mặt, không ra gặp. Cho đến một ngày, con tim anh nhói đau nhưng ấm áp và thanh thản khi biết tin cô gái ấy đã lên xe hoa và có một gia đình hạnh phúc.
Khi được minh oan, điều khiến Lợi bất ngờ và cảm động nhất là suốt chục năm qua, Thương và gia đình cô vẫn theo dõi về vụ án oan của anh. Khi biết chú cháu Lợi sắp được minh oan, gia đình Thương mừng như đối với người thân của mình vậy.
Như một mối nhân duyên, chính bố mẹ Thương đã động viên Lợi học lại nghề sửa xe và còn vận động chuyên gia Nguyễn Quý Long (lúc này đã nghỉ hưu tại Trung tâm Phương Nam) đến “nằm vùng” tại tiệm sửa xe máy cổng Trường Đại học Thành Tây để giúp đỡ, dạy nghề cho Lợi và Kiên. Với sự chỉ bảo tận tình của thầy Long, đến nay cả Lợi và Kiên đều đã trở thành những tay thợ cứng.
Khi được hỏi về tình yêu hiện tại, cả Lợi và Kiên đều bối rối nói rằng “bọn em chưa chính thức”. Nhưng khi chúng tôi võ đoán xem “bí mật” đó có phải có mặt trong dòng người dân Yên Nghĩa đứng dọc triền đê lộng gió vào chiều đông năm trước đón ba chàng trai được trở về với quê hương, gia đình sau 10 năm oan khuất hay không thì cả hai lúng túng và cười trừ.
Với họ, niềm vui chỉ như gió thoảng khi nghĩ đến ngày mai hạnh phúc, rồi họ lại buồn ngay trở lại khi đối mặt với nỗi oan như cái thòng lọng vẫn treo trên trên đầu chưa biết bao giờ mới cởi giải...
Quỳnh Lưu
Bài sau: Bao giờ mới được minh oan?