Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng): Phát biểu và chất vấn phải mang tính xây dựng, vì cái chung

(PLVN) - Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu TP Đà Nẵng khóa 12, 13 và 14, ứng cử viên đại biểu Quốc hội  khóa 15,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - không khỏi tự hào khi thành phố chọn bà trong danh sách đề cử. Nhỏ nhắn, khiêm tốn,  gương mặt thân thiện, đôi mắt to sáng và cũng không kém phần kiên nghị của bà đã khiến công luận chú ý, trân trọng, tin cậy, nhất là trong các buổi chất vấn tại nghị trường...
 Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu TP Đà Nẵng khóa 12, 13 và 14, ứng cử viên đại biểu Quốc hội  khóa 15.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu TP Đà Nẵng khóa 12, 13 và 14, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 15.

Bản lĩnh về những vấn đề “nóng” 

Nếu theo dõi qua các kỳ họp Quốc hội khóa 12, 13, 14... cử tri trong cả nước chắc chắn không thể quên những buổi chất vấn tại nghị trường với những vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm. Trong các đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn ấy, nổi bật lên gương mặt đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy. 

Bà được chú ý bởi những nội dung đề cập khi chất vấn với sự hiểu biết rất sâu sắc, khái quát mà rất cụ thể. Đó là hiệu quả và sự an toàn của các công trình khai thác bô xít ở Tây Nguyên; sách công nghệ đưa vào giảng dạy ở trường tiểu học trước khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội (thẩm định); giải pháp đột phá để người nông dân không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu; trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; nạn phá rừng; xuất khẩu lao động; thủ tục hành chính cản trở người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền của mình; tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu, bia; ngăn chặn tội phạm ngay trong chính lực lượng chuyên trách về phòng chống  tội phạm. Hay việc xuất hiện ngang nhiên những nhà “siêu mỏng, siêu méo”, cùng với việc xây dựng trái phép, vi phạm phòng cháy, chữa cháy... Việc  ngành lao động ra quyết định chi trả bảo hiểm thất nghiệp sai không thu hồi được. Hiệu quả ứng dụng thực tế của các đề tài khoa học còn nhiều bất cập. Vấn đề ngư dân đánh bắt hải sản, tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi như thế nào; hay việc  hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp... để tránh sai sót, tham nhũng đất đai.

Được đào tạo chuyên ngành luật, có hơn 15 năm công tác trong ngành Tư pháp và 3 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương và Trung ương nên bà đã tích lũy được những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn và rèn luyện bản lĩnh của người đại diện cử tri. Những ý kiến sắc sảo, trọng tâm, tri thức và đầy tâm huyết của bà đã khiến không ít các “tư lệnh ngành” giật mình và điều chỉnh. Và hồi kết, thường tốt đẹp. 

Đơn cử: Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/8/2018, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về hiện tượng cấp biển số xe ô tô không đúng đối tượng, gây bức xúc trong dư luận. Tiếp thu ý kiến, ngay sau đó, Bộ đã thu hồi trên 500 biển số xanh 80B đã cấp cho doanh nghiệp, cá nhân. Và việc  thu hồi 500 biển số xanh  của Bộ Công an đã đem lại niềm tin với nhân dân cả nước. “Chúng tôi đã có kiểm điểm đối với các đơn vị, các cá nhân có liên quan, rút kinh nghiệm việc thực hiện không đúng các quy định, khiến dư luận không đồng tình trong việc xử lý các biển số xe này. Hiện nay việc đăng ký, sử dụng các biển số nền nếp, đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ” -  ông Tô Lâm, đại biểu Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.  

Hẳn nhiều người còn nhớ, hình ảnh bà mang tâm thư của một giáo viên dạy 14 năm vừa bị cắt hợp đồng để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề tinh giản biên chế ngành Giáo dục. Theo bà Thúy, ngành Giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mới, song văn bản chỉ đạo chưa có và kỳ thi viên chức giáo dục một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho giáo viên hợp đồng, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm xã hội. “Tôi muốn Bộ trưởng trả lời rõ hơn về các đối tượng đặc thù sẽ được giải quyết như thế nào? Làm thế nào để giải quyết mong mỏi của các thầy, cô giáo?”.

Đây không chỉ là câu chuyện của hơn 200 giáo viên của huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội mà đây còn là câu chuyện nhức nhối của hàng trăm ngàn giáo viên có nguy cơ mất việc làm trong toàn quốc dù đã có thâm niên giảng dạy.

“Trong tay tôi đang cầm tâm thư kêu cứu của một giáo viên hợp đồng, giảng dạy trong suốt 14 năm qua và vừa bị chấm dứt hợp đồng. Có lẽ giờ đây, những giáo viên này đang dõi theo, đang khắc khoải mong chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng”, bà Thuý nói. 

Trong tay bà, không chỉ là bức tâm thư khẩn thiết, nó còn là hy vọng, là niềm tin được gửi gắm, ủy thác với đại biểu Quốc hội, bà cho biết, bức thư liên quan đến danh dự, tâm huyết và cuộc sống không chỉ của hơn 200 giáo viên Sóc Sơn mà còn của biết bao gia đình. Và không chỉ riêng Sóc Sơn, còn ở rất nhiều địa phương trên toàn quốc. 

Sau kỳ chất vấn thẳng thắn đầy tính xây dựng ấy,  kết quả là Bộ  Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương (nhất là TP Hà Nội) rà soát, thực hiện chế độ chính sách sát với tình hình thực tế. Đại biểu Thúy rất vui  khi biết bà đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của không ít giáo viên, đem lại niềm tin và hạnh phúc cho họ trong sự đam mê tâm huyết với nghề. 

Bà quan tâm tới sự minh bạch, công bằng về thi cử, sách giáo khoa mới, về xã hội hóa sách giáo khoa... Những ý kiến của bà khi đối thoại và trả lời trên báo chí đã khiến dư luận có cái nhìn đúng, toàn diện và khách quan hơn về giáo dục. 

Chất vấn - phải  vì cái chung và mang tính xây dựng 

Khi chất vấn có hiệu quả, cũng chính là hình thức giám sát đem lại nhiều kết quả kịp thời (khắc phục hạn chế, xây dựng thành chính sách pháp luật thực hiện trong cuộc sống... Đó là hạnh phúc và niềm vui của đại biểu - người kết nối giữa cử tri với Quốc hội.   

Khi được hỏi về áp lực khi chất vấn tại Quốc hội, bà cho biết mình không chịu bất kỳ một áp lực nào, cũng không có cá nhân và tập thể nào gửi gắm nhằm mục đạt lợi ích riêng. Bà khẳng định, phát biểu hay chất vấn, phải vì cái chung và mang tính xây dựng. Cử tri rất tinh, họ biết đại biểu có tâm huyết không, có thực sự thay họ nói lên tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng, xã hội hay không. 

Trên thực tế, mỗi buổi chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp của Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri, luôn thúc đẩy đại biểu Quốc hội lắng nghe, trăn trở với các vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội để tâm huyết chuẩn bị các chất vấn có chất lượng. Người trả lời chất vấn cố gắng đi vào trọng tâm, chốt được vấn đề thì đại biểu mới không cần dùng đến quyền tranh luận. Khi ấy, vấn đề chất vấn được giải quyết kịp thời. Đồng thời, cũng giúp những người trả lời chất vấn sẵn sàng chia sẻ, nhìn nhận các vấn đề đặt ra một cách chính xác, khách quan, từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực, sự thống nhất chung trong nhận thức và hành động của cả bộ máy nhà nước. 

“Trung ngôn - nghịch nhĩ” nhưng tôi không ngại, vì là người đại biểu dân cử đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội, chất vấn mang tính xây dựng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri. Với sự tin cậy, giúp đỡ, động viên của cử tri và các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở trong suốt 14 năm qua là chỗ dựa vững chắc và là động lực mạnh mẽ đã giúp tôi vượt qua mọi áp lực để thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử” - bà chia sẻ.

Với cái tâm và tầm, cũng như năng lực của mình, cử tri Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung tin ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 15 bà Nguyễn Thị Kim Thúy sẽ thực hiện được nhiệm vụ của mình.  

Đọc thêm