Thưa bà, bà đánh giá gì về những tác động tích cực của quá trình loại bỏ dần nhiệt điện than và chuyển dịch năng lượng đối với Việt Nam? Trong quá trình này, vì sao Việt Nam cần phải đảm bảo yếu tố công bằng?
- Trước hết, tôi muốn nhân cơ hội này chúc mừng Việt Nam đã đạt được Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Nhóm đối tác quốc tế (IPG) bao gồm các nước G7 cùng với Liên minh châu Âu (EU), Đan Mạch và Na Uy.
Việc triển khai thành công JETP tại Việt Nam có thể đóng góp tích cực và đáng kể vào các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu trong khu vực và trên toàn cầu, đồng thời giúp nền kinh tế quốc gia Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải carbon thấp và chống chịu với khí hậu. Điều này bao gồm việc chuyển dịch khỏi nhiên liệu hoá thạch và năng lượng than, thúc đẩy nguồn năng lượng sạch hơn, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra bình đẳng, toàn diện và công bằng.
Phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và hydrogen xanh sẽ mang lại cơ hội kinh tế to lớn cho Việt Nam. Việc lập quy hoạch, kế hoạch và đầu tư có chiến lược có thể tạo ra nền kinh tế năng lượng tái tạo mới, đem lại nguồn doanh thu và việc làm xanh trong toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất, hậu cần (logistics), lắp đặt, bảo trì, nghiên cứu và phát triển. Điều này góp phần tăng cường an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào những biến động khó lường của nhiên liệu hoá thạch, từ đó ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Lợi ích xã hội đáng chú ý của chuyển đổi khỏi năng lượng than là giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm không khí. Theo đó, sức khoẻ cộng đồng sẽ được cải thiện bởi giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và các vấn đề sức khoẻ liên quan. Chi phí chăm sóc sức khoẻ cũng giảm và chất lượng cuộc sống của người dân nói chung được nâng cao.
Tuyên bố JETP đã được thống nhất vào tháng 12/2022 nêu rõ quá trình chuyển đổi năng lượng phải diễn ra công bằng, tức nhấn mạnh vào những yếu tố như không phân biệt đối xử, khả năng tiếp cận và tính toàn diện. Điều này yêu cầu sự tham gia của các bên liên quan, sự chia sẻ lợi ích một cách bình đẳng, đặc biệt đối với những người lao động bị ảnh hưởng và cộng đồng dễ bị tổn thương, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Do đó, cần phải tham vấn toàn diện với tất cả các bên liên quan bị ảnh hưởng, và đặt tiếng nói của người lao động, cộng đồng và xã hội dân sự ở vị trí trung tâm của quá trình ra quyết định. Đặc biệt cần chú ý đến các nhóm và cộng đồng dễ bị tổn thương, gồm người già, phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Đảm bảo rằng nhu cầu và mối quan hệ của họ được xem xét trong các quyết định đầu tư.
Hơn nữa, đối với người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng, quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải tính đến việc đền bù, tạo sinh kế thay thế, cung cấp cơ hội đào tạo và thiết lập mạng lưới an toàn xã hội. Việc nâng cao kỹ năng, củng cố lại kỹ năng, tái đào tạo sẽ giúp người lao động từ các nhà máy nhiệt điện than và mỏ than tiếp cận các vị trí trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc các ngành công nghiệp mới khác trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: UNDP Việt Nam) |
Theo bà, Việt Nam có lợi thế và thách thức gì trong việc xây dựng chính sách và thực hiện JETP trên thực tế? Trong những năm tới, Việt Nam cần tập trung, ưu tiên những yếu tố quan trọng gì?
- Việt Nam đang có vị thế thuận lợi để hiện thực hóa JETP. Một trong những thế mạnh đáng chú ý là nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào. Với đường bờ biển rộng hơn 3.260 km, Việt Nam có tiềm năng phát triển hơn 600 GW điện gió ngoài khơi; mức độ bức xạ mặt trời cao cũng giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển điện mặt trời.
Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu vị trí địa lý đắc địa và là thành viên chủ chốt của ASEAN. Nhờ vậy, Việt Nam có tiềm năng lớn để kết nối và xuất khẩu năng lượng tái tạo sang các nước khác, như Singapore, tăng cường hợp tác khu vực và lợi ích kinh tế.
Cam kết ban đầu của IPG và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) về việc huy động 15,5 tỷ USD cho JETP tại Việt Nam là bước khởi đầu rất tốt, góp phần thu hút thêm vốn từ các đối tác phát triển, nhà đầu tư khác, đặc biệt từ khối tư nhân.
Bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức cụ thể trong việc thực hiện JETP. Đầu tiên, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể. Ví dụ, điện gió ngoài khơi sẽ tiêu tốn khoảng 3,5 - 4,0 tỷ USD/GW. Trong khi đó, việc hiện đại hóa và tăng cường lưới điện quốc gia có vai trò rất quan trọng để đáp ứng việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, yêu cầu khoản đầu tư 49,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương đương với 1,6 tỷ USD/năm. Những chi phí này không thể được đầu tư hoàn toàn bởi nguồn ngân sách của nhà nước và cần phải huy động đầu tư tư nhân.
Thứ hai, việc ngừng hoạt động một số nhà máy điện than sẽ đòi hỏi khoản bồi thường tài chính lớn. Vì tất cả các hợp đồng với các nhà máy điện than đều có thời hạn dài nên Việt Nam sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả tiền cho các nhà đầu tư nếu họ phá vỡ hợp đồng và đóng cửa các nhà máy điện than sớm hơn thời hạn đóng cửa đã thỏa thuận trước đó. Mức đền bù sẽ khác nhau nhưng có thế dao động từ vài trăm triệu đến vài tỷ USD cho mỗi nhà máy điện than.
Theo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư cần thiết chỉ riêng để phát triển ngành điện đến năm 2030 là 134,5 tỷ USD. Tổng mức đầu tư cho chuyển đổi năng lượng công bằng lớn hơn nhiều con số đó. Để giải quyết khoảng trống tài chính, cần có một cách tiếp cận toàn diện để thu hút nguồn tài chính của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế.
Hỗ trợ từ JETP góp phần bảo đảm rằng cải cách chính sách sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và khối tư nhân. Việc cải thiện khung pháp lý, giảm thiểu rủi ro đầu tư và đổi mới các chương trình tài chính là điều kiện cần thiết.
Việt Nam cũng nên tập trung vào xây dựng năng lực, chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển cho ngành kinh tế năng lượng tái tạo. Điều này bao gồm đào tạo những thế hệ mới, tái đào tạo và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện có.
Bà có thể chia sẻ thêm về sự đồng hành của UNDP với Việt Nam trong thời gian qua và những năm tới đây nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện JETP?
- Trong năm nay, UNDP đã được vinh dự hỗ trợ Ban Thư ký JETP trong việc chuẩn bị Đề án triển khai JETP và Kế hoạch huy động nguồn lực.
Để bảo đảm sự công bằng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, UNDP đang xây dựng chương trình khung cho Kế hoạch huy động nguồn lực tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
UNDP sẽ hợp tác chặt chẽ với các Bộ chủ chốt của chính phủ, nhóm điều phối IPG - EU và Vương quốc Anh - cùng các thành viên khác của IPG, cũng như các bên liên quan để phát triển Bộ khung Chuyển đổi công bằng, làm kim chỉ nam cho việc thực hiện JETP, đảm bảo các yếu tố công bằng được lồng ghép xuyên suốt trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.
Bộ khung Chuyển đổi công bằng được thiết kế nhằm kết hợp và bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường xã hội áp dụng cho việc đầu tư các dự án năng lượng; Bộ khung sẽ hướng dẫn các bên liên quan xác định rủi ro, đánh giá các tác động lên kinh tế, xã hội, và môi trường nhằm đảm bảo tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho tất cả các dự án đầu tư bởi JETP; bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là công cụ để theo dõi, đánh giá các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện JETP.
UNDP tin rằng chuyển đổi công bằng là điều thiết yếu và cần thiết để Việt Nam hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả người dân.
Xin trân trọng cám ơn Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam!