Chiều 19/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã có đầy đủ tài liệu chứng minh việc chị Đào Thị Thanh Bình (40 tuổi, phóng viên báo Thương hiệu và Công luận) cưỡng đoạt tài sản.
Theo cảnh sát, Bình biết một công ty nước ngoài có nguồn đầu tư rất lớn ở tỉnh Bắc Giang. Công ty này giải quyết việc làm cho hơn 4.000 công nhân và mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Do số công nhân lớn nên công ty có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang cho phép xây dựng nhà ở cho công nhân.
|
Nữ phóng viên tại cơ quan điều tra. Ảnh:Minh Thuý. |
Tuy nhiên công ty đã tự ý khởi công trong lúc chờ cấp phép. Tháng 10, Bình liên hệ với công ty và nói rõ các vi phạm, yêu cầu đưa tiền để không đăng tải vụ việc lên báo chị này đang công tác.
Bình sau đó thông qua người môi giới và ra điều kiện công ty trên phải đưa 100.000 USD. Sau một thời gian mặc cả, nữ phóng viên đồng ý giảm xuống còn 70.000 USD (hơn 1,6 tỷ đồng). Nhận thấy sự việc vô lý nên lãnh đạo công ty trình báo công an.
Khoảng 16h ngày 18/12, khi Bình đang nhận tiền từ giám đốc đối ngoại người nước ngoài của công ty ở toà soạn tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) thì bị Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng công an quận Cầu Giấy bắt giữ.
Tổng biên tập báo Thương hiệu và Công Luận Vũ Đức Thuận cho biết, trước đó, phóng viên Bình đề xuất đi lấy thông tin viết bài về khu nhà ở của công nhân, được Ban biên tập chấp nhận và cấp giấy giới thiệu đến gặp công ty, ban quản lý khu công nghiệp và UBND tỉnh Bắc Giang tìm hiểu. Báo chưa đăng bài viết nào về công ty trên.
Nữ phóng viên mới được nhận vào làm việc từ cuối tháng 4, chưa có thẻ nhà báo. Bình chăm chỉ viết tin bài, chưa vi phạm kỷ luật.
Theo điều 170 Bộ luật hình sự 2015, người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ một đến 5 năm.
Người nào chiếm đoạt tài sản từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chiếm đoạt thì bị phạt tù từ bảy đến 15 năm.
Người nào chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng thoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.