Bắc Kạn chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu

(PLVN) -  UBND tỉnh Bắc Kạn mới có chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, gồm quản lý về sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, sau khi ghi nhận một vụ ngộ độc do rượu có methanol tại thành phố Bắc Kạn.
Nhiều trường hợp ngộ độc rượu có methanol (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào tối 17/10, một nhóm gồm 3 nam, 2 nữ (tuổi từ 21 - 37, trú tại các tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Cao Bằng) đến một quán vỉa hè thuộc tổ 8, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, để ăn lẩu và uống rượu.

Sau khoảng 15 phút ăn uống, nhóm người này có biểu hiện buồn nôn, choáng váng, đau bụng và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, một số nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân. Đồng thời, tạm đình chỉ cơ sở để điều tra nguyên nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định.

Kết quả xét nghiệm do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thực hiện đối với mẫu rượu trắng trong chén uống dở của bệnh nhân và phần rượu thừa thu được trên bàn ăn xác định: Hàm lượng Methanol trong mẫu phẩm là 16,7 %/V/V, cao gấp hơn 30 lần mức cho phép hiện nay.

Ngày 23/10/2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Văn bản số 7087/UBND-VXNV về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm như: Một là, chấn chỉnh công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định của Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 11/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hai là, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất rượu thủ công, việc sử dụng rượu tại các nhà hàng ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, đặc biệt là trong sử dụng rượu, bia phải có nguồn gốc xuất xứ, có tem, nhãn theo quy định.

Bốn là, nếu phát hiện có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế và chính quyền địa phương để kịp thời tổ chức cấp cứu, điều tra và xử lý nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Đọc thêm