Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
|
Nhiều nhà dân bị ngập, cô lập tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài khí tượng thủy văn Bắc Kạn, trên phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch, biện pháp ứng phó; tiếp tục rà soát những hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ cao về thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, nguy cơ cao sạt lở đất, huy động lực lượng, phương tiện, nguồn lực, chủ động nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Đồng thời bố trí chỗ ở và đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán, hỗ trợ di dời khẩn cấp theo quy định; thường xuyên theo dõi diễn biến khu vực sạt lở, quyết định phương án di dời người dân đến nơi ở mới hoặc xử lý ổn định tại chỗ đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, báo cáo kịp thời Chủ tịch UBND tỉnh; chủ động bố trí ngân sách địa phương (nguồn dự phòng ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão, mưa...
Sở Y tế tổ chức tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn (nếu có); tiếp nhận, cấp phát các vật tư liên quan đến lĩnh vực y tế.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có nhiệm vụ làm đầu mối, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp nhận, bố trí kho tập kết, bảo quản lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị y tế được hỗ trợ để bàn giao theo quy định; bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn và các công việc khác khi Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Công an tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực sơ tán, khu vực ngập lụt và công việc khác khi Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Sở Công Thương tăng cường kiểm tra đôn đốc chủ bãi thải, hồ chứa thủy điện chấp hành nghiêm quy định về phòng chống thiên tai, quan trắc và vận hành hồ chứa đúng quy định; kịp thời thông tin trước khi xả lũ cho cơ quan và chính quyền các địa phương vùng hạ du; chỉ đạo điện lực và đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện.
Sở Giao thông vận tải sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo giao thông trong mọi tình huống; phối hợp với Công an tỉnh phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo tại các khu vực ngầm tràn, khu vực ngập úng, khu vực có nguy cơ sạt lở...
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, từ ngày 7/9 đến sáng 10/9, ở Bắc Kạn đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Từ ngày 8/9, trên các triền sông, suối đã có lũ lớn với biên độ từ 3-9m, trên sông Cầu, sông Năng lũ đã đạt mức trên báo động cấp 3. Mưa lớn dẫn đến sạt lở đất và ngập lụt diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực ở tỉnh, các tuyến đường giao thông gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi, khu dân cư... Ước tổng thiệt hại trên 883 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, sau bão, do mưa lớn kéo dài dẫn đến tình hình ngập lụt tiếp tục xảy ra, nước rút chậm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản của người dân. Sạt lở đất, đá trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp do đất đá đã bão hòa nước. Nhiều khu vực đang tiếp tục sạt trượt, nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt nguy hiểm đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước; nhiều diện tích lúa bị ngập sâu dẫn đến hư hỏng toàn bộ không thể khôi phục