Bắc Kạn phát huy sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

(PLVN) - Từ một tỉnh “trắng” xã nông thôn mới, đến nay Bắc Kạn đã có huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhiều xã bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Người dân xã Chu Hương đóng góp ngày công chỉnh trang đường giao thông liên thôn (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Có xuất phát điểm thấp về xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, nhờ những nỗ lực, giải pháp quyết liệt, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn từ 2010-2015, Bắc Kạn là tỉnh duy nhất “trắng” xã nông thôn mới, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đồng thuận của nhân dân, diện mạo nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều đổi thay, tích cực theo hướng văn minh, hiện đại.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hơn 83%; đường thôn, liên thôn cứng hóa được hơn 54%; có 92 trường học đạt chuẩn quốc gia; 31 nhà văn hóa xã và 460 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn...

Toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 46 xã đạt tiêu chí về giao thông; 75 xã đạt tiêu chí điện; 75 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn...Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,45 tiêu chí/xã; số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 7,8 tiêu chí/xã.

Xã hội hóa làm cầu vào thôn Bản Pá, Bản Phát (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Để tập trung cho công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ ngay từ đầu năm. Đặc biệt xây dựng các giải pháp toàn diện, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự đồng thuận trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các tiêu chí không cần kinh phí hoặc cần ít kinh phí như: tổ chức cộng đồng, hệ thống chính trị, văn hóa, môi trường, an toàn thực phẩm...; thực hiện các phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

Trong năm 2023, Bắc Kạn đặt mục tiêu có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí so với năm 2022; bình quân đạt 14 tiêu chí/xã.

Tỉnh cũng phấn đấu xây dựng 6 xã nông thôn mới nâng cao, gồm: Khang Ninh (Ba Bể), Đồng Thắng (Chợ Đồn), Cường Lợi (Na Rì), Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), Cẩm Giàng (Bạch Thông) và Hà Hiệu (Ba Bể). Đối với cấp huyện, tỉnh tập trung xây dựng, phấn đấu đưa Chợ Đồn và Bạch Thông về đích xây dựng nông thôn mới.

Dù là một tỉnh nghèo ở miền núi phía Bắc, nhưng với sự nỗ lực cùng nhiều giải pháp quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân, tỉnh Bắc Kạn đã vươn lên trở thành tỉnh trong Top đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Bắc Kạn hiện có 182 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao. Đã có 110 chủ thể tham gia Chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm 73 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 22 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp.

Tuyến đường vào thôn Bản Chàng, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn đã thi công xong, góp phần giúp người dân đi lại thuận lợi (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền phải nâng cao trách nhiệm nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Đọc thêm