Đang thống kê để báo cáo thì… dịch bùng phát!
Theo ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu: Ngày 7/8, tại huyện Hồng Dân phát hiện có 5 ổ dịch dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại ở 3 xã: Ninh Quới, Ninh Quới A và xã Ninh Hòa. Đây là huyện cuối cùng của tỉnh Bạc Liêu xuất hiện dịch, lẽ ra Hồng Dân phải làm tốt các công tác xử lý với bệnh dịch do được học hỏi kinh nghiệm từ các huyện phát hiện dịch trước, tuy nhiên huyện này lại thực hiện hết sức nhếch nhác…
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu kiểm tra tình hình phòng chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Hồng Dân |
Ông Hà Văn Buôl cho biết, phát hiện các ổ dịch tả heo châu Phi từ ngày 7/8 nhưng phải 10 ngày sau UBND huyện Hồng Dân mới công bố dịch trên địa bàn. Lúc này, bệnh dịch đã lây lan ra hơn 170 hộ, với hơn 3.500 con mắc bệnh, ở hơn 40 khóm ấp, của 5 xã, thị trấn.
Huyện Hồng Dân công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn sau 10 ngày phát hiện các ổ dịch |
Việc chậm công bố dịch đã kéo theo nhiều vấn đề như: Những người dân có heo bị tiêu hủy trước khi công bố dịch có được hỗ trợ hay không? Số lượng heo chết có được tiêu hủy đúng quy trình của ngành thú y hay không? Có trường hợp người dân vứt xác heo xuống sông hay bán chạy, bán tháo đối với số heo nhiễm bệnh hay không? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với những vấn đề trên?
Lực lượng chức năng lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm dịch tả heo châu Phi |
Lãnh đạo UBND huyện Hồng Dân thì cho rằng, địa phương đã ghi nhận kịp thời số heo nghi vấn mắc bệnh từ đầu và đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý tiêu hủy theo quy định. Trong khi địa phương đang cho thống kê để báo cáo lên Ban chỉ đạo tỉnh, thì bất ngờ trong các ngày từ 14/8 đến nay, bệnh dịch bùng phát dữ dội nên địa phương chưa kịp thống kê báo cáo bằng văn bản, công bố dịch theo quy định.
Kinh hoàng xác heo... trôi đầy sông!
PV Báo PLVN đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận và xác nhận hiện tượng xác heo trôi trên sông là có nhưng hiện chưa xác định được là heo của địa phương hay của các tỉnh khác trôi qua theo con nước, vì đây là tuyến kênh giao thoa của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh và cho đến thời điểm này chưa phát hiện được trường hợp người dân của huyện vứt xác heo bệnh xuống sông.
Trao đổi với phóng viên, ông Châu Đồng Ninh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Hồng Dân cho biết: “Trước mắt, Trung tâm phối hợp với Trạm Thú y huyện Long Mỹ (Hậu Giang) tiến hành vớt xác heo trôi trên tuyến sông chính đem đi tiêu hủy đúng theo quy định. Riêng xác heo trôi tại các nhánh sông phụ thì giao cho lực lượng dân quân tự vệ của các xã xử lý.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại tuyến kênh Bà Hiên đi qua địa phận xã Ninh Hòa, Lộc Ninh và thị trấn Ngan Dừa (Hồng Dân) - đây là tuyến kênh nội bộ của huyện Hồng Dân vẫn có tình trạng xác heo chết trôi sông trong những ngày qua. Khi PV phản ánh việc này, ông Ninh xác nhận: “Những ngày qua, người dân sống dọc theo con sông chính của huyện phải chịu mùi hôi thối bốc lên của xác heo trôi sông, việc này làm ảnh hưởng đến không ít đến đời sống sinh hoạt của người dân.”
Công tác tuyên truyền kém, quản lý lỏng lẻo việc tiêu hủy heo bệnh
Theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu, hiện nay công tác công tác tuyên tuyên truyền dịch tả heo châu Phi của huyện Hồng Dân chưa hiệu quả, chưa đến được với từng hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, tiếc của mà một số người đã giấu dịch hoặc cố tình mua bán, vận chuyển, giết mổ đi tiêu thụ hoặc vứt xác heo bệnh xuống sông... Đây là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh theo cấp số nhân.
Khi được hỏi tại sao khi heo chết bệnh lại không báo chính quyền địa phương để được nhận hỗ trợ và tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình mà lại tự ý tiêu hủy (vứt ra sông hoặc chôn lấp sơ sài) hoặc bán tháo ra thị trường, chị Lê Thị Chói (ấp Sơn Trắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) trả lời là “do không biết tỉnh có hỗ trợ nên mới đem đi bán”.
Đáng nói, gia đình chị Chói có người thân làm trong mạng lưới thú y xã, nhưng gia đình chị vẫn không hay biết về chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi. Thậm chí, người dân còn phản ánh với PV việc có cán bộ thú y xã tư vấn cho người dân bán tháo heo bệnh ra thị trường và môi giới thương lái đến tận nhà người dân với giá từ 700.000 – 1 triệu đồng/con.
Bên cạnh đó, khi người dân báo có heo chết nghi do dịch thì được cán bộ thú y khuyến cáo người dân nên tự chôn và hướng dẫn về cách tiêu hủy heo chết do mắc bệnh xong, rồi ra về chứ không đến tận nơi kiểm tra tình hình tiêu hủy heo của người dân, nên đã có trường hợp người dân không đem tiêu hủy mà xẻ thịt đem cho những hộ sống xung quanh, hoặc đem vứt xác heo xuống sông.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu đề nghị địa phương cần quan tâm, chủ động hơn nữa trong việc tuyên truyền, thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường tại các hộ chăn nuôi, những nơi có nguy cơ cao. Củng cố ngay lực lượng thú y tại các xã để giám sát, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ đàn vật nuôi. Khi xảy ra dịch phải thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định, tránh lây lan.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.