Tham dự Hội thảo có bà Hoàng Thị Dinh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; Giám đốc, Phó Giám đốc, cán bộ quản lý Giáo dục Mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bám sát chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến các lĩnh vực Giáo dục Mầm non
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Hôm nay Bạc Liêu rất vinh dự, vui mừng đăng cai tổ chức Hội thảo “Xây dựng và khai thác sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong cơ sở Giáo dục Mầm non”, đây là Hội thảo nhằm đánh giá kết quả đạt được trong việc giáo dục rèn luyện trẻ ở các cơ sở Giáo dục mầm non, đồng thời để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý giáo dục đối với cấp học mầm non trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh trong Cụm thi đua số 8 Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung”.
Ông Phan Thanh Duy, chia sẻ: “Trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhưng ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế của địa phương; nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm chất lượng giáo dục và đạt được những kết quả đáng khích lệ”.
Ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại Hội thảo. |
“Sở Giáo dục và Đào tạo Bạc Liêu nghiên cứu những cách làm hay, sáng tạo của các tỉnh bạn, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non để vận dụng vào tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, bám sát quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến các lĩnh vực Giáo dục Mầm non trên địa bàn tỉnh” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị.
Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm về các giải pháp để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đồng thời, các đại biểu được nghe những cách làm hay, những kinh nghiệm quý báu trong cách tổ chức, quản lý lớp học, phương pháp giáo dục, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục phát triển toàn diện trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Cùng với đó, phối hợp cha mẹ trẻ em trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm tạo sự thống nhất đồng hành giữa nhà trường, gia đình và xã hội đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Dinh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ GDĐT về việc triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Chuyên đề); Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT ngày 30/6/2021 về triển khai Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021-2025”.
Bà Hoàng Thị Dinh chia sẻ: “Hội thảo là nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bàn bạc, thống nhất các giải pháp để nâng cao năng lực cán bộ quản lý giáo viên mầm non trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình Giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, hỗ trợ nâng cao năng lực thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm ở các cơ sở Giáo dục Mầm non trong thời gian tới, đồng thời, phổ biến, nhân rộng các mô hình điểm về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; tôn vinh các tập thể và cá nhân điển hình trong thực hiện Chuyên đề. Từ đó nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Bà Hoàng Thị Dinh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
“Trong thời gian tới, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục có sự quan tâm tích cực phối hợp các ban ngành để chỉ đạo, triển khai các giải pháp nâng cao các con số, tỷ lệ còn thấp (nâng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, tỷ lệ trẻ được bán trú, học 2 buổi/ngày; mẫu giáo dưới 5 tuổi, duy trì tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp); điều kiện đội ngũ (thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, phát triển chương trình); lộ trình từng bước chuẩn hóa về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ chơi trong cơ sở Giáo dục mầm non để bảo đảm các điều kiện chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai Chương trình Giáo dục mầm non mới” - bà Hoàng Thị Dinh chỉ đạo.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, bà Lâm Thị Sang – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Thông qua các bài tham luận, đại biểu cũng chia sẻ về những khó khăn trong chỉ đạo triển khai và thực hiện tại các cơ sở Giáo dục Mầm non trong điều kiện địa phương còn khó khăn, như: phần lớn các trường được xây dựng cũ, qui mô nhỏ, không mở rộng được diện tích đất; kinh phí hạn hẹp nên đầu tư xây dựng mới và cải tạo cho phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển Giáo dục Mầm non”.
Bà Lâm Thị Sang – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tổng kết Hội thảo. |
Để cùng thúc đẩy hiệu quả của cơ sở Giáo dục Mầm non trong thời gian tới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu đề nghị sau Hội thảo này, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chia sẻ nhân rộng những mô hình điểm điển hình xuất sắc tại địa phương và giữa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bằng các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, điều kiện từng địa phương.
Đồng thời, nghiêm túc rút kinh nghiệm về những nội dung chưa đạt kết quả như mong đợi, nghiên cứu đề xuất những giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn tại địa phương; đẩy mạnh công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, tạo các điều kiện triển khai Chuyên đề trong thời gian tới phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em”.
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu ở mầm non, mẫu giáo có 84,52% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục; có 90,79% trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,79%. So với các tỉnh trong khu vực thì các số về trường chuẩn quốc gia, trình độ đội ngũ, tỷ lệ trẻ ăn bán trú,.. đạt khá cao. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo trong 3 năm qua có tăng nhưng so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn 2% và so với cả nước thấp hơn 10%. Ngoài ra, tỷ lệ huy động trẻ ngoài công lập cũng đạt thấp, chỉ đạt hơn 8%.