Bắc Ninh: 'Thoát đáy', lấy lại đà tăng trưởng kinh tế

(PLVN) - Kết thúc năm 2023, GRDP của tỉnh Bắc Ninh giảm 9,28% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm GRDP sâu nhất từ trước đến nay và Bắc Ninh cũng là tỉnh có mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh/thành. Nhưng sau hơn một năm tăng trưởng âm, kinh tế của Bắc Ninh đã ‘‘thoát đáy’’, với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2024 tăng 5,52% so cùng kỳ.
Bắc Ninh lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: bacninh.gov.vn)

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực của địa phương trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 đã phát huy hiệu quả.

Thoát tăng trưởng âm

Những nỗ lực trên được thể hiện rõ thông qua các số liệu tăng trưởng kinh tế của 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh. Trong quý I năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đã chuyển biến tích cực và có phần khởi sắc hơn so với năm 2023 khi tốc độ tăng trưởng GRDP quý I chỉ còn giảm 3,52% so với cùng kỳ năm trước. Đến quý II, Bắc Ninh đã thoát tăng trưởng âm, tăng cao 15,56%, đã kéo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,12%. Mặc dù quý III, tăng trưởng chậm lại, chỉ còn tăng 4,5% nhưng địa phương vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương. Như vậy, 9 tháng năm 2024, GRDP của tỉnh Bắc Ninh tăng 5,52% so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, GRDP 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Bắc Ninh có với nhiều tín hiệu tích cực ở cả 3 khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp và thủy sản.

Trong đó, mặc dù nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng ít nhất, nhưng vẫn tăng hơn 1% so với cùng kỳ, đóng góp 0,03 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung của tỉnh. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng đã tăng 5,76%, đóng góp 4,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Trong đó, chỉ có ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh là có mức tăng trưởng tốt. Một số ngành có tăng trưởng cao như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; In và sao chép bản ghi các loại; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Sản xuất kim loại; Sản xuất gường, tủ, bàn, ghế…

Ngành xây dựng của tỉnh Bắc Ninh vẫn tăng trưởng âm cả 3 ở quý. Quý I, quý II năm lần lượt là -0,36% và -5,14%. Ước tính quý III, giảm nhiều (-12,73%). Tính chung 9 tháng, ngành xây dựng của tỉnh bị tăng trưởng âm 6,33% làm giảm 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Ninh lý giải, việc giảm này chủ yếu do khó khăn thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng dân dụng chưa hồi sinh, cùng với đó hộ gia đình gặp khó khăn thiếu dòng tiền do bất động sản không sôi động... Ngoài ra, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước triển khai chậm so với kế hoạch do những vướng mắc ở nhiều khâu triển khai thực hiện là nguyên nhân làm cho các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật dân dụng giảm xuống trong những tháng đầu năm.

Tăng nhiều nhất đến từ khu vực dịch vụ, cả 3 quý đạt tăng trưởng dương. Tính chung 9 tháng, ngành dịch vụ của tỉnh Bắc Ninh đã tăng 5,96%, đóng góp 1,28 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung của địa phương.

Thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc

Đối với thu hút đầu tư trong nước (DDI), tính từ đầu năm đến 20/10, toàn tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 44 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 13.000 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 95 dự án đầu tư, trong đó có 32 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng gần 1.400 tỷ đồng.

Đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài. Cụ thể, về xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh đã chủ động gặp gỡ và làm việc với các DN lớn đầu tư tại địa phương để thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất và kêu gọi DN vệ tinh, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, các DN Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tiêu biểu,…

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng đã tiếp nhiều đoàn DN trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, nhằm trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh như: Tập đoàn Công nghệ CMC (Việt Nam), đoàn DN Cộng hòa Liên bang Đức, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hungary,…Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

10 tháng đầu năm, thu hút đầu tư của địa phương đã đạt kết quả vượt bậc, không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư mà làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/10, toàn tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 348 dự án FDI đăng ký cấp mới; vốn đăng ký mới đạt gần 1.600 triệu USD (tăng 683,2 triệu USD, tức tăng 75,2%). Ngoài ra, địa phương điều chỉnh vốn cho 162 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng là 2.725,6 triệu USD, (tăng 2.254,2 triệu USD, tức tăng 478,2%).

Theo dự báo, nếu tăng trưởng GRDP quý IV của tỉnh Bắc Ninh tăng 3,61%, cả năm dự kiến tăng 5%. Nếu quý IV tăng 8,36%, thì cả năm dự kiến tăng 6,29%.

Nguyên nhân khiến GRPD của tỉnh giảm sâu trong năm 2023, theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, sau chu kỳ 10 năm phát triển nhanh và bền vững, kinh tế của tỉnh bước vào độ trễ, đây là giai đoạn khó khăn, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Đồng thời một trong những lý do khiến địa phương tăng trưởng âm trong năm qua là do phụ thuộc nhiều vào Samsung.

Hiện, Bắc Ninh đang tiến tới giảm sự phụ thuộc này, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới là không phụ thuộc vào 1 doanh nghiệp, thị trường nào mà tiến tới hài hòa các doanh nghiệp, thị trường đầu tư cũng như các ngành nghề. Để minh chứng cho điều đó, 5 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư vào địa phương chủ yếu đến từ Trung Quốc có 127 dự án; Hồng Kông (Trung Quốc) có 29 dự án; Singapore có 19 dự án...

Đọc thêm