Bắc Ninh: Xử phạt 100 triệu đồng với 1 cá nhân, 1 tổ chức vi phạm quy định PCCC

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy, một tổ chức và một cá nhân đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt tổng số tiền 100 triệu đồng.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây đã xử phạt 100 triệu đồng đối với một tổ chức và một cá nhân vi phạm Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ.

Cụ thể, ngày 4/3/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 208/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Ample Sun (địa chỉ Khu phố Tam Á, phường Gia Đông, Thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) 80 triệu đồng vì không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về phóng cháy chữa cháy theo Khoản 4 Điều 30, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ.

Đến ngày 12/3/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có Quyết định số 250/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Điều ở thôn Đồng Sài, xã Phù Lãng, Thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh 20 triệu đồng vì đã thi công công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo Điểm a, Khoản 3, Điều 38, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ.

Quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Bắc Ninh

Quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Bắc Ninh

Để đảm bảo an toàn, không để xảy ra cháy, nổ trong hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo nhân dân thực hiện 8 biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

Thứ nhất, không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, trường hợp cần thiết thì dự trữ với số lượng ít nhất. Có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực bán hàng, kho chứa hàng (nếu có) với khu vực sinh hoạt của gia đình.

Thứ hai, ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín.

Thứ ba, không để hàng hóa dễ bắt cháy gần bếp điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn nê-ông…

Thứ tư, khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, cần tính toán tránh gây quá tải; không sử dụng nhiều thiết bị trên một ổ cắm và khi lắp đặt các thiết bị điện sinh nhiệt lớn (đèn sưởi, quạt sưởi, lò nướng…) cần có khoảng cách an toàn đến các vật dụng dễ cháy. Sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, sạc pin xe đạp - xe máy - ô tô điện phải có người trông coi (không sạc qua đêm); không để trẻ nhỏ, người mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện khi không có người trông nom.

Thứ năm, bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến khi đốt phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã, đốt rác phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Thứ sáu, trước khi đi ra khỏi nhà hoặc trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Thứ bảy, tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2, mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy xách tay, trang bị công cụ phá dỡ phù hợp (xà beng, búa, rìu, kìm cộng lực,…); tổ chức hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, luôn xác định “Tính mạng con người là trên hết, trước hết” trong mọi tình huống.

Cuối cùng, khi xảy ra cháy, tìm mọi cách nhanh nhất báo cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC biết theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện tại chỗ để chữa cháy, cứu người, cứu tài sản; trong đó ưu tiên việc cứu người bị nạn ra nơi an toàn./.

Đọc thêm