Bài 1: 'Làm sao để thanh niên không nhạt Đảng, xa Đoàn?'

(PLVN) - Mặc dù còn đó những người trẻ “nhạt Đảng, khô Đoàn”. Thế nhưng, theo các chuyên gia, để thanh niên xứng đáng là lực lượng kiến tạo tương lai, lĩnh ấn tiên phong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới cần hội tụ các phẩm chất: Lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng, tri thức cao và giàu kỹ năng...
Trưởng thôn Ma Seo Chứ, 32 tuổi, Gương Thanh niên sống đẹp 2024 đã cứu thoát bản làng trong gang tấc khỏi cảnh sụt lở tại Kho Vàng, Bắc Hà, Lào Cai. (Ảnh: NVCC)

Để người trẻ không “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”

LTS: Đảng ta luôn khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”… Trong bối cảnh công nghiệp số, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: các thế lực thù địch tìm nhiều cách chống phá và tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ. Do đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi đắp lý tưởng, khát vọng cống hiến cho thanh niên càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Những hệ lụy khó lường

Tại Đại hội toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng những biểu hiện đó rất cần được quan tâm để khắc phục, nếu không, nó sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” với rất nhiều hệ luỵ cho thế hệ tương lai”. Đó là những biểu hiện của “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên đã được chỉ ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI.

“Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, có thể hiểu là sự không mặn mà phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, không cảm nhận được niềm vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng - tổ chức của những người tiên phong đấu tranh cho lợi ích của giai cấp, dân tộc.

Một hành trình gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của tình hình thế giới và trong nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lý tưởng, niềm tin không rõ ràng, mất phương hướng. Kinh tế thị trường và việc mở rộng quan hệ, giao lưu quốc tế đã thúc đẩy sự phân hóa về lối sống và nảy sinh một số tiêu cực, như mơ hồ về chính trị, sống thực dụng, đơn thuần chạy theo lợi ích vật chất, phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức và lối sống, tâm lý sùng ngoại, coi thường truyền thống, coi thường bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ý thức phấn đấu chính trị của một bộ phận thanh niên giảm sút, không thiết tha phấn đấu vào Đảng.

Không thể phủ nhận, công nghệ có thể đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia - dân tộc, nhưng cũng vì vậy mà lớp trẻ có thực hiện được khát vọng cống hiến, khát vọng hạnh phúc được hay không khi họ không làm chủ công nghệ với định hướng nhân văn mà bị cuốn vào sức mạnh thuần tuý của công nghệ với những khuynh hướng sai lệch… Bởi lẽ người máy và trí tuệ nhân tạo không thể thay thế đời sống tinh thần của con người với những giá trị nhân văn và văn hoá dân tộc.

Phát triển luôn luôn đi liền với mặt trái. Kỹ thuật công nghệ rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế thị trường và văn minh của xã hội, song cũng rất dễ gây nên những tổn thương đạo đức và làm chệch hướng phát triển xã hội. Khát vọng cống hiến vốn tiềm tàng trong mỗi con người, nhất là lớp trẻ, nó có thể phát triển tích cực và lành mạnh trong môi trường xã hội, đạo đức và nhân văn. Ngược lại, nó sẽ bị suy giảm, thui chột nếu không gian tồn tại và phát triển của nó chịu sự áp đảo của kỹ thuật - công nghệ, sự thiếu vắng và yếu kém của các phẩm chất xã hội về đạo đức, nhân tính.

Tại Hội thảo “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam, góp phần thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cố PGS. TS Nguyễn Quốc Bảo (nguyên quyền Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí tuyên truyền) nhận định, trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, thanh niên được sự giáo dục rèn luyện của Đảng. Vì vậy, trung với Đảng là một phẩm chất phải có với mỗi thanh niên. “Trung với Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là: ngay thẳng, không có tà tâm, không làm việc gì bậy... Ngoài lợi ích của Đảng không có lợi ích riêng. Lúc được Đảng giao cho việc gì thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận, có hiệu quả. Trung với Đảng là phải biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Khi tự nguyện phấn đấu được đứng vào trong hàng ngũ của Đảng thì phải hết lòng phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng”.

Hình mẫu thanh niên trước yêu cầu thời đại

Theo PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017, sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dặn dò thanh niên cần có “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”.

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã phát động trong đoàn viên, thanh niên cả nước thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, tiếp tục xác định triển khai Cuộc vận động này và cụ thể hóa 3 giá trị cốt lõi thành 12 tiêu chí cơ bản trong hình mẫu thanh niên, đó là: có lý tưởng cách mạng; bản lĩnh vững vàng; giàu lòng yêu nước; đạo đức trong sáng; lối sống văn hóa; tuân thủ pháp luật; tiên phong hành động; sáng tạo không ngừng; học tập liên tục; có sức khỏe tốt; kỹ năng phù hợp; khát vọng vươn lên.

Theo ông Tạ Minh Tuấn, thanh niên là chủ nhân của thời đại và tương lai của đất nước. Vì vậy, giá trị hình mẫu thanh niên không chỉ có ý nghĩa cá nhân mà còn có ý nghĩa lịch sử, thời đại. Việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên hiện nay một mặt tiếp thu các giá trị văn minh nhân loại, gần gũi hơn với các trào lưu tiến bộ trên thế giới. Mặt khác sẽ phát huy được những lợi thế của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như truyền thống bất khuất, lý tưởng cách mạng của các thế hệ đi trước. “Hình mẫu thanh niên phù hợp với các hệ giá trị sẽ là nền tảng để mỗi người trẻ tuổi đều có hoài bão lớn lao, thay vì là gánh nặng khi bước chân ra ngoài xã hội. Có hoài bão, có niềm tin, có lý tưởng lớn lao mới có thể quy hoạch cuộc đời cho bản thân mình, lập kế hoạch dài hạn cho chính mình; ở đây chính là thanh niên có thể tìm được điểm giao thoa giữa sở thích cá nhân, yêu cầu của đất nước và tầm nhìn của thời đại”.

Ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chỉ ra ba vấn đề về thanh niên. Trong đó tính thực dụng, đòi hỏi “lối sống cao hơn mức sống” đang là trào lưu của không ít thanh niên. Theo ông Quân, đây không chỉ là thực trạng của thanh niên Việt Nam mà là sản phẩm của kinh tế thị trường. Ông Quân đặt vấn đề “lối sống cao hơn mức sống” có phải là một vấn đề xã hội phải khắc phục không? Vấn đề nữa là kỹ năng của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh toàn cầu còn yếu. Ông Quân cho rằng, kỹ năng là năng lực cụ thể hóa trí tuệ, còn chỉ có kiến thức mà không có kỹ năng thì trí tuệ chỉ là trí nhớ. Trong thời kỳ hội nhập, không gian lao động cực kỳ rộng mở buộc thanh niên Việt Nam phải cạnh tranh với các thanh niên, lao động ở các nước khác.

Cần khơi dậy khát vọng cống hiến rực rỡ

Đề cập đến những tiêu chí của thanh niên trong thời kỳ mới, ông Hoàng Bình Quân cho rằng, yêu nước là phẩm chất bất biến nhưng nội dung của yêu nước lại mang tính thời đoạn, như thời chiến tranh là lòng căm thù giặc - cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù... “Vậy giai đoạn hiện nay yêu nước thể hiện ra sao? Có thể diễn đạt đầy đủ nhưng tôi xin nêu gọn là tự tôn dân tộc - phải làm cho mỗi thanh niên Việt Nam luôn tự hào về dân tộc ta, về đất nước Việt Nam, về dòng giống Việt Nam, về văn hóa Việt Nam. Tự tôn dân tộc là mỗi bạn trẻ phải biết tự tôn về Việt Nam, suy nghĩ và hành động hướng tới tôn vinh Việt Nam, coi đất nước, dân tộc là động lực và hành trang trong hội nhập quốc tế”, ông Hoàng Bình Quân nhấn mạnh.

Tiêu chí thứ 2, theo ông Hoàng Bình Quân, là khát vọng: “Khát vọng của con người như con thuyền trên biển cần ngọn hải đăng, có khát vọng các bạn sẽ được chiếu sáng trên đường đời, có niềm tin, có sự đam mê lao động, có niềm lạc quan, hứng khởi và có động lực mạnh mẽ, thôi thúc bạn nỗ lực. Điều đó cũng có nghĩa khát vọng không chỉ là mong muốn mà bao gồm cả ý chí, sự quyết tâm, nỗ lực để đạt được điều mong muốn đó. Một thế hệ đầy khát vọng là tương lai rạng rỡ của đất nước”, ông Hoàng Bình Quân bày tỏ.

Và như nhận định của ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, cho rằng - trong bất kỳ thời kỳ nào, chúng ta cũng cần có những phẩm chất căn cốt của con người Việt Nam là: yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, để mỗi cá nhân điều tiết bản thân tự tin hội nhập mà không hoà tan.

(Còn tiếp)

Đọc thêm