Hơn 20 năm trước, nhìn vào địa thế trũng và đầm lầy chằng chịt khu quận 7, Nhà Bè, nếu ai đó nói về sau, mảnh đất này sẽ trở thành một đô thị văn minh bậc nhất Việt Nam, có lẽ sẽ được coi là chuyện hoang đường. Vậy mà giờ đây, Phú Mỹ Hưng (PMH), đô thị mọc trên đầm lầy thuở nào đã minh chứng cho điều "không thể" kia, trở thành một kiểu mẫu về đô thị mới, là bài học cần thiết cho xây dựng và quản lý đô thị Việt Nam.
Hội thảo “20 năm xây dựng và phát triển Khu đô thị PMH” vừa được Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Công ty PMH tổ chức. Dịp này, PMH cũng đã đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì và Ba do Chủ tịch nước trao tặng; cùng các phần thưởng cao quý khác của Chính phủ và UBND TP.HCM.
Một hình ảnh về đô thị PMH |
Tầm nhìn ra Biển Đông
TP.HCM được biết đến là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước đã nghiên cứu để kêu gọi đầu tư các khu đô thị mới. Một trong những tầm nhìn mang tính chiến lược là việc chính quyền thành phố quyết định cho đầu tư phát triển khu đô thị mới Nam Sài Gòn và trục đường Nguyễn Văn Linh, trong đó khu vực lõi là trung tâm đô thị PMH. Với việc mở rộng này, không gian TP.HCM phát triển xuống phía Nam và hướng ra biển Đông, một khu đất rộng 3.600 ha nằm trên địa bàn của 4 quận, huyện.
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng – cho biết mô hình đô thị kiểu mẫu của PMH được đánh giá rất cao, đóng góp tích cực vào định hướng phát triển đô thị của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
PMH được đánh giá cao bởi không chỉ là những “khối bê tông” mà các giá trị về văn hóa, tinh thần cũng được phát triển hài hòa, tạo không gian mở cho tất cả mọi người. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý, các đơn vị tại TP.HCM cũng như các địa phương khác trên cả nước cần phân tích kinh nghiệm từ thực tiễn PMH, nhằm rút ra các bài học quý để phát triển đô thị trong tương lai...
Đánh giá về những thành công và phát triển của khu đô thị Nam Sài Gòn nói chung, PMH nói riêng, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh, những đơn vị thực hiện đã khai phá “một vùng đất đầm lầy tưởng bị lãng quên” thành một khu đô thị hiện đại, hấp dẫn; giải quyết chỗ ở chất lượng cao cho một bộ phận dân cư đồng thời tạo khả năng phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Một hình ảnh về đô thị PMH |
Thực tiễn sinh động cho nhà làm luật
Đến từ Viện nghiên cứu Nikken Sekkei, ông Shigehisa Matsumura cũng đánh giá PMH đã thiết lập được một hệ thống quản lý môi trường sống thích ứng với các mục tiêu, từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Hệ thống này khó tìm thấy ở các dự án phát triển đô thị khác.
Phương pháp tiếp cận đã thực hiện ở trung tâm đô thị mới PMH rất cần thiết cho các dự án phát triển đô thị ở Việt Nam bởi tính bền vững qua thời gian được bao hàm trong giải pháp quản lý đô thị cũng như định hướng phát triển nhà ở và đô thị. Tuy nhiên, PMH muốn duy trì sự thịnh vượng và bền vững của mình trong tương lai, chắc chắn phải giải những "bài toán" về cạnh tranh, đặc biệt là sự biến đổi của thị trường, khí hậu...
Sự thành công của PMH còn là bài học quý cho công tác quản lý đô thị nước ta, nhất là việc vượt qua các rào cản do các quy định chưa hợp lý. PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, đến nay Luật Quy hoạch đô thị đã khẳng định việc quy hoạch không theo ranh giới là một bước tiến. Nhưng với một thực thể kiến trúc, công trình, cộng đồng, cơ sở hạ tầng đồng bộ trải rộng trên địa bàn của nhiều phường thì công tác quản lý hành chính sau khi bàn giao dự án cũng cần linh hoạt.
Cùng quan điểm, ông Trần Chí Dũng – Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, khi đã đầu tư rất lớn từ nguồn lực và tài chính cho quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới thì cũng nên nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ việc tìm kiếm mô hình quản lý phù hợp. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở các khu đô thị mới trong tương lai vừa là một cách giúp các khu đô thị mới phát triển tốt hơn, vừa là cơ hội để rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng đô thị và các chính sách sau này.
“Thành công của PMH đi kèm với đó là những bước đi “vượt qua” các rào cản do pháp luật chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều khó khăn vướng mắc trong thực tiễn. Đến nay hàng loạt các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, thuế má… đã được sửa đổi phù hợp với sự phát triển; đặc biệt như nhà đầu tư nước ngoài được nộp tiền sử dụng đất thuê một lần và được chuyển nhượng nhà ở trong dự án gắn liền với quyền sử dụng đất…”, ThS.LS Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ.
PMH nằm trong khu đô thị mới Nam Sài Gòn có diện tích 2.600ha, chia làm 21 phân khu được Chính phủ phê duyệt từ năm 1994 trên một vùng đầm lầy hoang sơ. “Chúng ta thấy hình ảnh một đô thị hiện đại, cộng đồng nhân văn - bên trong một môi trường đô thị tiện nghi, sinh thái, cư dân sống an toàn, bình yên…”, ThS.KTS Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chia sẻ. |
Trần Phong