Bài học cho tình báo Nga sau vụ điệp viên bị bán đứng

Thủ tướng Nga Vladimir Putin từng nói bóng gió rằng, những kẻ phản bội nên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) cần rút ra bài học kinh nghiệm từ vụ nhóm điệp viên Nga bị bán đứng ở Mỹ cách đây vài tháng – Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vừa tuyên bố.

Nhóm điệp viên Nga hoạt động tại Mỹ đã bị lãnh đạo của mình bán đứng hồi mùa hè qua.

Tương lai của kẻ phản bội

Hôm thứ Năm tuần trước, nhật báo kinh tế Kommersant đăng tải bài báo tiết lộ, vụ 10 điệp viên bị bắt giữ tại Mỹ là kết quả hành vi phản bội của một cựu sĩ quan tình báo cao cấp Nga, Đại tá Shcherbakov. Chính nhân vật này đã cài cắm nhóm 10 điệp viên Nga hoạt động tại Mỹ.

Tổng thống Medvedev tuyên bố tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị G20: “Những gì đăng tải trên tờ Kommersant không phải là tin mới. Tôi đã biết về việc này hôm sự việc xảy ra, biết đến từng chi tiết. Nhưng thông tin này cần phải được kiểm tra. Thời gian trôi đi. Những bài học liên quan từ việc này sẽ được nghiên cứu”.

Trả lời câu hỏi liệu có những thay đổi lớn, trong đó gồm cả việc thay đổi nhân sự, trong SVR sau vụ bê bối hay không, Tổng thống Medvedev từ chối câu trả lời cũng như đưa ra bình luận về tình hình bên trong SVR. Tuy nhiên, ông cho biết một cuộc điều tra tổng thể về vụ việc này đã được tiến hành. “Chúng tôi không muốn bình luận về các quyết định. Đó là vấn đề của những người liên quan”, ông nói.

Về phần mình, một thành viên của ủy ban an ninh quốc gia là Gennady Gudkov cho biết, vụ việc đã gây ra "những thiệt hại không sửa chữa được" và nó đủ để lập một ủy ban, xem xét hoạt động của SVR. Đứng đầu SVR là Mikhail Fradkov - đồng minh của Thủ tướng Vladimir Putin. Fradkov là một trong những bộ trưởng đắc lực của Putin khi ông còn là tổng thống.

Theo tờ Kommersant, Đại tá Shcherbakov – cựu lãnh đạo một vụ của SVR chuyên xử lý các nguồn tin tình báo tại Mỹ  - đã bị khiển trách vì bán đứng các sĩ quan tình báo của Nga hoạt động tại Mỹ dưới những tấm căn cước giả. Báo này cũng tiết lộ, con gái của ông Shcherbakov đã sống tại Mỹ từ lâu nhưng SVR không quan tâm tới việc này.

Cơ quan tình báo Nga cũng được cho đã sai lầm khi không để ý tới việc Đại tá Shcherbakov từ chối thăng chức một năm trước khi vụ bê bối điệp viên xảy ra.

Ở Nga, thủ tục thăng chức buộc người được thăng chức phải trải qua khâu kiểm tra nói dối. Như vậy, điều đó có thể hiểu rằng vào thời điểm đó ông Shcherbakov đã tích cực bắt tay với các cơ quan tình báo Mỹ. Chính bản thân kẻ phản bội, một nguồn tin trong các cơ quan quyền lực Nhà nước Nga gọi như vậy, đã bay sang Mỹ 3 ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Medvedev sang nước này hồi tháng 6.

Sau bê bối gián điệp nói trên, quan hệ Nga - Mỹ đã bị đe dọa. Tuy nhiên, hai nước sau đó đều tuyên bố vụ việc sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ song phương.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã nói bóng gió rằng, những kẻ phản bội nên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. “Đây là kết quả của sự phản bội và hành động phản bội luôn kết thúc tồi tệ. …Họ kết thúc, như một quy luật. Có thể thông qua các loại thuốc hoặc thông qua rượu”, ông nói. 

Nữ điệp viên xinh đẹp Anna Chapman "nổi đình nổi đám" sau vụ bê bối điệp viên giữa Nga và Mỹ.

Nghi ngờ

Sau khi Kommersant tiết lộ thông tin về kẻ phản bội Shcherbakov, các chuyên gia muốn tìm hiểu sâu thêm câu chuyện này. Hôm 11/11, Đại tá Shcherbakov được dư luận gọi là “người đàn ông phản bội” nữ điệp viên xinh đẹp Anna Chapman và các đồng nghiệp của cô trong mạng lưới gián điệp, gây ra vụ bê bối gián điệp chấn động hai bên bờ Đại Tây Dương mùa hè vừa qua.

Tuy nhiên, trong khi SVR chưa đưa lời bình luận chính thức về vụ việc – hoặc gợi ý liệu Shcherbakov sẽ có số phận tương tự như Trotsky hay không, một số chuyên gia không đồng tình với tuyên bố của Kommersant. 

Báo Trud cho rằng, không thể có chuyện quan hệ thân thiết của Shcherbakov với Mỹ như vậy mà không ai hay biết. Tờ này đăng tải một nguồn tin chính thức cho rằng con trai của Shcherbakov rời Cơ quan Kiểm soát Ma túy Liên bang Nga đêm hôm trước xảy ra vụ bê bối và bay sang Mỹ. Trud không cho biết tên của các chuyên gia mà tờ báo này thăm dò, song cho biết cộng đồng tình báo đã sa thải Shcherbakov như “một người bí ẩn”.

Nghi ngờ cũng đổ dồn vào những tuyên bố cho rằng, kẻ phản bội Shcherbakov có thể sẽ bị thủ tiêu giống như Trotsky trong những năm 1940. Theo một cựu sĩ quan tình báo, những kẻ phản bội nên bị thủ tiêu trước khi họ cung cấp bí mật cho kẻ thù, nếu thủ tiêu sau thì không có nghĩa lý gì nữa.

Ngoài ra, người ta nghi ngờ câu chuyện về Shcherbakov được tung ra hồi cuối tuần trước nhằm đánh lạc hướng dư luận, khiến dư luận không quan tâm tới một vụ gián điệp với Georgia . Được biết, 13 người Nga tại Georgia vừa bị bắt giữ vì bị buộc tội làm gián điệp, gây căng thẳng trong quan hệ giữa Matxcơva và Tbilisi .

Theo Trud, gần như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều tập trung đăng tải vụ Schcherbakov từ hôm thứ Năm tuần trước.

Thủy Thu (Theo Moscownews)

Đọc thêm