Bài học từ sự cố tắc đường đêm cuối Đại lễ

Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng của Hà Nội lẽ ra phải có phương án cấm đường phù hợp ngay sau khi hủy 29 điểm bắn pháo hoa, vì mọi người sẽ đổ về phía Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình...

Lỡ hội

Từ chiều 10/10, người dân đã ùn ùn đổ về Mỹ Đình, khiến tất cả các ngả đường dẫn tới Sân vận động quốc gia đông kín. Những tuyến phố chính như Mai Dịch, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, đại lộ Thăng Long... tắc nghẽn. Những người nhanh chân ngay từ chiều đã tìm cho mình một chỗ đẹp, trên vỉa hè, dải phân cách, hai bên bờ ruộng, và thậm chí ngay cả trên nóc xe ô tô chờ xem pháo hoa.

Biển người trên đường Lê Đức Thọ
Biển người trên đường Lê Đức Thọ

Lỡ hội

Từ chiều 10/10, người dân đã ùn ùn đổ về Mỹ Đình, khiến tất cả các ngả đường dẫn tới Sân vận động quốc gia đông kín. Những tuyến phố chính như Mai Dịch, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, đại lộ Thăng Long... tắc nghẽn. Những người nhanh chân ngay từ chiều đã tìm cho mình một chỗ đẹp, trên vỉa hè, dải phân cách, hai bên bờ ruộng, và thậm chí ngay cả trên nóc xe ô tô chờ xem pháo hoa.

Tuy nhiên, mọi tính toán đều bị tiêu tan. Đến 18h, tất cả phải chen chân nhau, chỉ mong tìm một chỗ đứng an toàn trong dòng người ken đặc.

Tắc đường kéo dài cả cây số khiến xe của nhiều đoàn đại biểu các tỉnh được mời về dự đêm kết thúc đại lễ đành chôn một chỗ trong chờ đợi, sốt ruột và thất vọng.

Đại biểu của một tỉnh cho biết, đoàn của ông được bố trí ở Khách sạn Mường Thanh, có xe cảnh sát dẫn đường xuất phát từ Linh Đàm lúc 18h nhưng 18h45 mới “bò” được đến đường Lê Đức Thọ vì tắc đường. Thêm 15 phút nữa nhích được 20 phân, sau đó nằm im một chỗ không tiến, cũng không thể lùi. Điện thoại bị phá sóng, không thể liên lạc được, không ai dám rời xe, sợ lạc. Còn đại biểu một tỉnh khác kể: Ngồi trên xe mấy tiếng đồng hồ, có người trong đoàn muốn đi vệ sinh cũng không thể mở được cửa đi xuống. Hai bên xe người đã chen chật cứng, không thể hé được cửa xe.

Ban đầu, các đoàn đại biểu này được trấn an rằng sẽ có phương án giải tỏa giao thông và quả thật, xe cảnh sát đã được điều động tăng cường tới. Nhưng rồi chính cảnh sát và xe cảnh sát cũng bất lực đứng nhìn dòng người ùn ùn kéo đến. 20h20 là thời điểm khai mạc, nhiều người ngột ngạt bỏ về nhưng mất phương hướng không biết gửi xe ở bãi nào, đành luẩn quẩn trong núi người vào, ra lộn xộn. Ngoài không thể vào, trong không thể ra khiến rất nhiều người bỏ lỡ cơ hội xem đêm nghệ thuật hoành tráng ca ngợi Hà Nội.

Chị Phạm Thị Hoa ở Cầu Giấy nói: “Nhà tôi ba người đi xem, chờ mãi không nhích lên được bước chân nào, đành vứt vé thoát ra ngoài, thoát ra được cũng toát mồ hôi”.

Đêm nghệ thuật kết thúc lúc 21h30 ngày 10/10 nhưng đến 1h sáng hôm sau (11/10), hầu hết các đoàn đại biểu mới thoát được khỏi biển người về khách sạn.

Bị động với tình huống

Sau đêm kết thúc Đại lễ, sáng sớm ra đường, tới chợ người dân đã râm ran bàn tán chuyện tắc đường, lỡ đêm hội và họ lo ngại chuyện đại biểu các tỉnh “chê” Hà Nội để tắc đường không đáng có. Những người đi xem về dường như vẫn chưa hết “oải” với cảnh ùn tắc, mất phương hướng.

Chị Hà Thanh (ở Thanh Xuân) nói: “Sợ quá, có nhiều người bị lạc nhau, điện thoại lại không liên lạc được. Phụ nữ đưa theo con nhỏ càng lo lắng vì ai cũng sợ con nghẹt thở”.

Những ai may mắn thoát sớm được ra ngoài lại bị xe ôm, taxi chặt chém không thương tiếc. Anh Trần Hoàng Minh ở Ba Đình cho biết: “Không có xe, tôi phải đi bộ 5 cây số ra đến cầu vượt đường Phạm Hùng, lúc đó mới có một taxi, đòi 300.000 đồng từ đó về Đội Cấn”. Chị Hoàng Thu ở Thủ Lệ cũng bực bội nói: “Xe ôm cũng chém tôi 300.000 đồng từ đó về nhà”.

Tham gia bảo đảm an toàn, an ninh khu vực vòng ngoài sân vận động có cảnh sát giao thông, cơ động, phòng cháy, chữa cháy... của thành phố và địa bàn huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, sự cố tắc đường diễn ra tối 10/10 khiến hầu hết người dân thiếu hài lòng với phương án của cơ quan chức năng. 

Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng của Hà Nội lẽ ra cần phải có phương án cấm đường phù hợp ngay sau khi hủy 29 điểm bắn pháo hoa, vì lúc đó mọi người sẽ đổ về điểm duy nhất này. Hơn nữa, cần có đường dành riêng dành cho xe đại biểu, những người có vé mời đi. Không cấm đường và các điểm trông giữ xe mọc san sát hai bên đường là nguyên nhân gây tắc.

Trước ngày kết thúc đại lễ, phóng viên Pháp luật Việt Nam đã phản ánh lo ngại tình trạng mọi ngả đường vào sân Mỹ Đình bị người dân đi xem chắn, hết sức nguy hiểm cho tình huống xấu nếu có xảy ra. Tuy nhiên, lúc đó Thượng tá Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội khẳng định: “Đúng là người dân có tính hiếu kỳ, tập trung quá đông, có thể gây khó khăn, cản trở cho lực lượng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đêm kết thúc Đại lễ, ngoài lực lượng phòng cháy chữa cháy, còn có cảnh sát trật tự, cơ động, giao thông thì việc xử lý tình huống xấu, nếu có xảy ra, cũng không gặp khó khăn gì”!?.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Quang Mỹ - Đội trưởng Cảnh sát giao thông Công an huyện Từ Liêm cho biết, dù đơn vị đã huy động 100% quân số nhưng trước biển người đổ về sân vận động quá đông nên dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

“Theo tôi, chúng ta bị động trong việc đột ngột hủy bắn pháo hoa 29 điểm trên khắp thành phố, khiến hàng ngàn người dân đổ dồn về sân vận động Mỹ Đình xem màn trình diễn pháo hoa kết thúc đại lễ đêm 10/10. Phương án phân luồng giao thông cũng bị động trước kế hoạch thay đổi”, ông Mỹ nói.

Thanh Quý

Đọc thêm