Trong lịch sử làm phim tại Việt Nam, chưa tác phẩm nào có hành trình ra đời đầy “sóng gió”, và để lại dư vị đắng chát về kinh nghiệm làm phim hợp tác như Kẻ thứ ba.
Vào năm 2018, dự án Thiên đường được hãng IVonk Pictures (Việt Nam) và Cion Pictures (Hàn Quốc) trình làng bằng một buổi ra mắt đầy trang trọng, có sự tham gia của tài tử Han Jae Suk - nam chính, và ông Park Hee Joon - đạo diễn của phim. Tuy nhiên, chỉ hơn hai tháng sau, việc ghi hình phim bị ngưng đột ngột sau khi đã đạt 70% tiến độ, vì giám đốc sản xuất, đồng thời đồng đạo diễn của phim là Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân đã vỡ nợ.
Nữ chính Lý Nhã Kỳ được các thành viên trong đoàn “cầu cứu”, và cô đã chi 6 tỷ đồng giúp phim quay tiếp. Nhưng một lần nữa, chỉ sau một tuần ghi hình, nhà sản xuất kiêm đồng đạo diễn tiếp tục “bỏ rơi” đoàn phim vì hết kinh phí. Trước nguy cơ ê-kíp Việt Nam bị mất mặt với đồng nghiệp nước ngoài (vì đây là dự án đầu tiên kết hợp giữa một diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng cùng ê-kíp Việt Nam), nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ quyết định mua lại dự án từ nhà sản xuất cũ, giúp phim “hồi sinh” sau hai năm ngừng quay.
Từ đây, phim Thiên đường được đổi tên thành Bí mật thiên đường. Cảm kích trước tấm lòng người đẹp, đạo diễn Park Hee Joon không chỉ trở lại Việt Nam quay tiếp, mà còn sẵn lòng làm nốt hậu kỳ phim, bất chấp việc này khiến ông phải kẹt lại Việt Nam vô thời hạn vì thời điểm đó, TP.HCM sắp giãn cách xã hội. Tình thế càng nguy hiểm hơn, khi bản thân ông mắc bệnh nền tiểu đường, cần về nước điều trị.
Tài tử Han Jae Suk thì trái lời công ty chủ quản để nán lại Việt Nam hoàn thành màn hóa thân của mình. Về phía diễn viên Việt Nam, Xuân Nghị và Hoàng Khôi chấp nhận đóng tiếp phim mà không nhận thù lao như một cách chia sẻ với đàn chị Lý Nhã Kỳ.
Trước khi ra rạp, phim đối diện với nhiều khó khăn, trở ngại mà đôi lúc Lý Nhã Kỳ nghĩ câu chuyện này chỉ có trong tưởng tượng |
Gạt qua một bên nỗi lo về tiền bạc, nhân sự, thách thức lớn nhất của đoàn phim lúc này chỉ còn là tìm lại những đạo cụ, phục trang đã bị chủ nợ siết đem bán - một việc làm gần như không tưởng. Việc một nhà sản xuất trong nước mời nước ngoài sang hợp tác, nhưng nửa đường mắc nợ bỏ trốn khiến đoàn phim bơ vơ là điều hy hữu, chưa từng có trước đây. Tệ hơn là việc đạo diễn, diễn viên nước ngoài bị chủ nợ giữ luôn hộ chiếu. Sự cố này để lại bài học chua chát về chuyện hợp tác làm phim với nước ngoài.
Thất bại của nhà sản xuất cũ chủ yếu nằm ở năng lực tài chính và năng lực vận hành dự án. Nhưng cũng từ sự cố này, cách giải quyết hậu quả của những người trong cuộc đem đến cho cả hai bên cái nhìn thiện cảm về nhau. Nữ chính Lý Nhã Kỳ đã chi 33 tỷ đồng để cứu vãn danh dự cho ê-kíp làm phim Việt. Những nhà làm phim xứ kim chi cũng sẵn sàng ở lại Việt Nam để đi tiếp cùng phim. Họ đã chọn cách ứng xử đẹp để cùng nhau hoàn thành tác phẩm một cách trọn vẹn.