Bài học từ vụ án Vạn Thịnh Phát

(PLVN) -Những ngày gần đây, có 2 sự kiện diễn ra đồng thời khiến nhiều người phải suy nghĩ về liêm chính. Trước hết là hôm 21/11, Quốc hội dành trọn 1 ngày để nghe và thảo luận về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, thanh tra. Cũng cùng khoảng thời gian, Bộ Công an công bố kết luận điều tra “đại án” Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị liên quan.
Ảnh: CafeF

Những ngày vừa qua, báo chí có rất nhiều bài viết về vụ án này. Tại diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp, thanh tra, các đại biểu cũng nhắc đến vụ án trên.

Theo kết luận điều tra, năm 2017 - 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Thanh tra Ngân hàng, NHNN tiến hành thanh tra toàn diện với SCB. Đoàn thanh tra có 5 tổ, do Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chủ trì, phối hợp Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tiến hành.

Đáng tiếc, rất nhiều thành viên Đoàn thanh tra và một số nhân vật lãnh đạo Thanh tra Ngân hàng đều “gục ngã” trước đồng tiền của “bà chủ” Vạn Thịnh Phát, SCB.

Số người vi phạm gồm có 15 cựu cán bộ Thanh tra Ngân hàng của NHNN; 3 cựu Thanh tra viên Thanh tra Chính phủ; một Thanh tra viên Kiểm toán Nhà nước. Nhiều người trong số này là lãnh đạo cấp Vụ, Cục, Tổng cục. Họ đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn để bao che cho sai phạm của Vạn Thịnh Phát, SCB. Theo thông tin mới công bố, trong vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, các cơ quan đã khởi tố 23/108 bị can là lãnh đạo cấp Vụ, Cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Trong số này, phải kể đến Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II (thuộc Thanh tra Ngân hàng, NHNN) bị xác định nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 120 tỷ VNĐ) để bao che, bưng bít cho những sai phạm của “tập đoàn tội phạm” Vạn Thịnh Phát và “bà trùm” Trương Mỹ Lan trong quá trình thanh tra, kiểm tra Ngân hàng SCB.

Giai đoạn 1 của cuộc thanh tra cũng có những người như ông Lê Thanh Hà, cựu Phó Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước (cấp Vụ) khi phát hiện ra sai phạm, kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, nhưng trước đồng tiền, đã bị “hạ gục”.

Đây là vụ việc điển hình, nóng hổi nhất về sự sa ngã của một số cán bộ quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ. Giữ liêm chính không chỉ bằng động viên, khuyến khích, học hành. Văn hóa liêm chính còn phải được bảo đảm bằng “lồng luật pháp”, kiến tạo bằng luật pháp. Chính vì thế, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

“Không thể, không dám, không muốn và không cần”, mục tiêu 4 không trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang cần hơn bao giờ hết những giải pháp từ các quy định pháp luật.

Đọc thêm