Bám sát thực tế, kịp thời có biện pháp mạnh, tạo thuận lợi phục hồi sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để phục vụ sản xuất trong bình thường mới, đòi hỏi phải kịp thời có những giải pháp, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, theo sát diễn biến tình hình, nắm bắt được mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, kích cầu hàng hóa…
Nỗ lực tạo thuận lợi cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nỗ lực tạo thuận lợi cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Xu hướng cuối năm mặt hàng xăng dầu sẽ tăng giá, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp (do là nguyên liệu đầu vào), do đó Bộ Công Thương đang tìm các cách để có thể giữ ổn định giá xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi sản xuất.

Bám sát mọi diễn biến để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Trong cuộc họp thường kỳ được tổ chức ngày 30/9, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng khi sản xuất kinh doanh trên toàn thế giới đang hồi phục, nhu cầu nhiên liệu sẽ cần nhiều hơn.

Các tổ chức uy tín trên thế giới cũng đều đánh giá xăng dầu thành phẩm sẽ tăng, do đó, Bộ Công Thương sẽ “bám” vào quỹ bình ổn giá để có thể điều hành giá xăng dầu theo hướng giữ ổn định giá, tìm nhiều cách để có thể giảm được các mức thuế như thuế xăng sinh học.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất cho các ngành sản xuất, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế” - bà Nga nói.

Dịch COVID-19 đã có tác động, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, để phục vụ sản xuất trong bình thường mới, đòi hỏi phải kịp thời có những giải pháp, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, theo sát diễn biến tình hình, nắm bắt được mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, kích cầu hàng hóa…

Đối với lĩnh vực xuất khẩu (XK), xác định đây là lĩnh vực quan trọng có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, trong thời gian qua Bộ đã tham mưu, triển khai, kiến nghị nhiều biện pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa và XK của doanh nghiệp (DN). Ngay từ đầu quý II, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 còn chưa diễn biến phức tạp, Bộ đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng XK, tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc và phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách ở khu vực phía Nam, xác định lưu thông hàng hóa giữa các vùng và lưu thông hàng hóa đến các cảng, cửa khẩu là vấn đề khó khăn cho hoạt động XK, Bộ đã thành lập Tổ công đặc biệt của Bộ Công Thương ở khu vực phía Nam để phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành liên quan để kịp thời tiếp thu, phản ánh vướng mắc của các địa phương, DN trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa để phối hợp hỗ trợ xử lý.

Cán cân thương mại sẽ cân bằng

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, COVID-19 đã tác dộng nghiêm trọng trực tiếp đến các trung tâm công nghiệp lớn trong năm 2021 như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Long An… khiến cho cán cân thương mại trong 4 tháng liên tục bị nhập siêu. Tuy nhiên, đến tháng 9 đã xuất siêu 500 triệu. Nếu tính tốc độ tăng trưởng, kim ngạch XK vẫn đang ở mức tăng 18% (trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng trưởng XK chỉ ở mức 7%).

“Hiện nay, tăng trưởng nhập khẩu khá cao, ở mức tăng 30%. Tuy nhiên, nếu xét tỷ lệ chênh lệch giữa XK và nhập khẩu thì khoảng cách không lớn. Do đó, nếu không có tác động gì lớn và trong tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt trong những tháng cuối năm thì Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì cán cân thương mại ở mức cân bằng, lạc quan hơn thì có thể vẫn giữ được xuất siêu” - ông Hải khẳng định.

Bên cạnh tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh và dần triển khai sản xuất trở lại, Bộ Công Thương cũng đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mà Bộ đã chú trọng trong thời gian qua để hỗ trợ DN, thúc đẩy XK trong thời gian tới như hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; Khuyến khích các Hiệp hội, DN logistics có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa nông sản, thủy sản.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, với tình hình trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng dịch, các Hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Nhưng để việc XK nông sản, thủy sản được bền vững, đặc biệt là việc XK sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương kêu gọi thương nhân, DN Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh sang XK chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông, thủy sản cho nông dân ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm