Dự thảo nghị quyết gồm 5 chương, 24 điều; quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hoá (CNVH).
Theo dự thảo nghị quyết, trung tâm CNVH được định nghĩa là “khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực CNVH”. Các trung tâm này có thể được thành lập theo các mô hình tổ chức bao gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc hợp tác xã.
![]() |
Chương trình trình diễn áo dài với chủ đề "Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam" trên tà áo dài truyền thống tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) (ảnh minh hoạ) |
Về nguyên tắc thành lập, dự thảo nghị quyết quy định, việc thành lập trung tâm CNVH phải bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô.
Việc lập quy hoạch trung tâm CNVH tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.
Cùng với đó, trung tâm CNVH phải kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "TP sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới; tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa.
Kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển trung tâm CNVH, như TP sẽ ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNVH; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển CNVH để giao hoặc cho trung tâm CNVH thuê; ưu tiên xem xét chuyển đổi công năng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm CNVH.
Trung tâm CNVH, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm CNVH được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành CNVH theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, Trung tâm CNVH được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa.
Để thu hút nhà đầu tư, dự thảo nghị quyết cũng quy định, trung tâm CNVH, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm CNVH được ngân sách nhà nước các cấp của TP hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành CNVH; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của TP.
Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp; liên kết giữa các ngành công nghiệp văn hóa với nhau, giữa các ngành CNVH với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các hội, hiệp hội chuyên ngành trong nước và quốc tế tham gia các hoạt động phát triển CNVH; hỗ trợ tổ chức các hội thảo, hội nghị, triển lãm, sự kiện quốc tế như lễ hội âm nhạc, hội chợ nghệ thuật, hội chợ sách,… nhằm quảng bá nghệ thuật và văn hóa.
Hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện các cơ chế hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công tư.
Dự thảo đang được lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện và trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng tới.