Bạn đã hiểu gì về "thần dược chữa bệnh" bột trà xanh?

(PLO) - Được coi là “thần dược chữa bệnh”, bột trà xanh matcha được nhiều phụ nữ dùng để làm đẹp. Thậm chí, nó còn được nhiều người cao tuổi uống hàng ngày nhằm điều trị một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, có một điểm chung là hầu hết bột trà xanh trên thị trường đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí nó có thể còn gây nguy hại cho sức khỏe.
Cận cảnh bột matcha có xuất xứ từ Nhật

Hoa mắt với bột trà giá rẻ 

Theo tìm hiểu, bột trà xanh (còn gọi là bột matcha) có nguồn gốc từ Nhật Bản. Matcha được làm từ lá trà Tencha. Nó thường đươc sử dụng trong hàng loạt những món ăn thông dụng như: trà sữa, bánh bông lan, kem, pudding… và để đắp mặt nạ làm đẹp tại các Spa.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, công nghệ trồng và chế biến matcha hiện nay vô cùng cầu kỳ. Người Nhật sử dụng lá trà hảo hạng, được trồng dưới mái che, không bị ánh nắng mặt trời thiêu nóng, sau đó đem đi hấp, sấy khô và cho vào cối đá xay nhuyễn thành bột trà. 

Không chỉ tốn chi phí sản xuất, bột trà xanh matcha còn có rất nhiều tác dụng chữa bệnh nên giá thành khá đắt đỏ. Theo nghiên cứu của GS. Toshida Tagashi ( ĐH Tokyo – Nhật Bản), nhờ phương pháp sản xuất rất đặc biệt, bột trà xanh matcha Nhật Bản có thể giữ lại được hàm lượng chất tannin nhiều nhất, từ 19% trở lên trong khi các loại trà khác chỉ có thể giữ lại 5-10% lượng tannin này.

Đây là chất quan trọng nhất của bột trà xanh matcha có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn rất mạnh, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, tuổi thọ và giữ gìn được làn da trẻ trung. Ngoài ra, hiện không ít ý kiến còn quả quyết, chính nhờ thói quen uống matcha mà người Nhật có tuổi thọ trung bình ở mức 86 - cao nhất thế giới. 

Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng trong tannin được chia ra làm 3 nhóm trong đó nhóm chất catechin chiếm tỷ lệ 90% với hợp chất EGCg (Epicgallocatechin Gallate) có khả năng chống ung thư cao nhất, hỗ trợ giảm hấp thụ chất béo, giảm cholesterol phòng ngừa nguy cơ tăng cân, duy trì vóc dáng. Nó còn có công dụng ngăn ngừa các enzym kích hoạt sự sao chép nhân bản tế bào ung thư. Với nhiều công dụng tốt, bột trà xanh matcha có giá khá đắt, khoảng 2 - 3 triệu đồng/kg, được nhiều người tin tưởng sử dụng để làm thức uống hàng ngày, chế biến thực phẩm hoặc đắp mặt nạ làm đẹp.

Bột trà xanh matcha đóng thùng được chia nhỏ lẻ để đem bán

Ở Việt Nam hiện nay, bột trà xanh được bày bán tràn lan tại các cửa hàng, khu chợ lớn. Tuy nhiên, mỗi nơi một giá khác nhau và nhất là mập mờ vê nguồn gốc, xuất xứ. Có nhiều loại bột trà xanh được rao bán với giá rẻ… giật mình. Chúng dao động từ 15.000 - 60.000/100g. Thậm chí, nhiều khu chợ còn bán bột trà xanh đóng gói 20g, giá khoảng 20.000đ/gói, màu xanh đậm, mùi hắc và hay bị vón cục. Tại sao lại có sự chênh lệch giá cả lớn như vậy?

Theo tìm hiểu, loại trà xanh được phổ biến nhất trên thị trường hiện nay có xuất xứ Trung Quốc, được gọi là trà xanh Đài Loan. Một nhân viên ở cửa hàng nguyên liệu làm bánh ở Hàng Thiếc cho biết: “Các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh đều không có bột trà xanh Nhật, toàn bộ đều là bột trà xanh Đài Loan, nhưng chất lượng đảm bảo, làm đồ ăn ra màu đẹp hơn, tươi hơn của Nhật. Khách hàng cũng chỉ sử dụng loại bột này để giảm giá thành và dễ dàng đem bán”. Dĩ nhiên, bao bì của những loại trà ở các cửa hàng này thường được đóng gói thủ công và không hề có tem. Loại này được bán với giá 50.000 đồng/100g, 400.000 đồng/500gr.

Trong khi đó, nhiều cửa hàng online lại quảng cáo bán bột matcha xịn, nhưng với giá trên dưới 200.000 đồng/100gr, rẻ hơn rất nhiều so với giá gốc tại Nhật. Theo chị Diễm Quỳnh (Đông Tác, Hà Nội), người kinh doanh bột matcha 4 năm cho hay: nhiều công ty đã mua những túi trà lớn 1kg, 5kg, 10kg từ Nhật Bản về sau đó xé lẻ ra và đóng thành các gói nhỏ hơn: 10g, 20g, 50g, 100g để người tiêu dùng dễ mua hơn. Tuy nhiên, vì bao bì sản phẩm không đảm bảo, một số nơi đã trộn bột trà xanh kém chất lượng với bột trà xanh Nhật Bản để gia tăng lợi nhuận, giảm giá thành nhằm cạnh tranh không lành mạnh. 

Tìm đến chợ Phùng Hưng, chợ Đồng Xuân, chúng tôi được các tiểu thương chào mời loại bột trà xanh “hảo hạng”, đựng trong bao nilong và bán theo cân. Nhìn bằng mắt thường, sản phẩm “hảo hạng” này không rõ là bột gì, bao nhiêu phần trăm là matcha nhưng khi xoa đều trên tay dễ dàng thấy độ mịn kém, có mùi rất hắc. 

Tương tự, nhìn bề ngoài, loại bột trà xanh này cũng được bán phổ biến trên mạng. Nhưng nguồn gốc, xuất xứ còn “bát nháo” hơn với các loại bột từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lâm Đồng (Việt Nam), Thái Lan… Giá dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/lạng. Trong khi đó, bao bì sản phẩm không có, nguồn gốc xuất xứ không ai chứng minh được.

Cảnh giác với bột matcha rởm

Rõ ràng, các loại bột matcha trôi nổi trên thị trường hiện nay phần lớn đều không được cơ quan kiểm tra thẩm định về chất lượng. Và dĩ nhiên, chúng cũng không có các công dụng diệu kỳ của bột matcha Nhật Bản như các nghiên cứu đã chỉ ra.

ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, bộ môn da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM từng khuyến cáo, không nên lạm dụng “tính thiên nhiên” trong trà xanh bởi trong đó ẩn chứa nhiều tác hại từ chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, trong bột trà xanh được quảng cáo là thiên nhiên còn chứa hàng loạt các hóa chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản. Những hóa chất này sẽ nhanh chóng tàn phá làn da.

Đa phần những gói trà xanh matcha được đóng gói sơ sài, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Các chuyên gia cũng cảnh báo, để kích thích tăng trưởng và tránh sâu bệnh cho cây trà, người ta sử dụng phân hóa học dưới dạng phun trực tiếp lên lá. Và để thành phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, các nhà máy sản xuất trà phải sử dụng công nghệ xử lý dư lượng hóa chất. Đối với những nơi không áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế thì khi thu hoạch, dư lượng hóa chất trên lá trà vẫn rất cao. Lá trà sẽ rất dễ bị đổi màu, biến mùi khi chế biến. Do đó, hoặc nhà sản xuất phải sử dụng hương liệu, phẩm màu; hoặc để giữ màu trà xanh tươi, người ta sử dụng một số kim loại như đồng, chì trong quá trình chế biến.

Cả hai cách trên đều mang đến những nguy cơ nhất định cho sức khỏe. Đối với loại bột trà xanh không rõ nguồn gốc, không loại trừ khả năng đó là hóa chất công nghiệp. “Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Nó tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp” - TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM cảnh báo.

Đọc thêm