Bàn giải pháp hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 và hướng đến Hội nghị COP28, sáng 2/11, Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo“Lộ trình và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam”. 
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn; PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện chính sách kinh tế môi trường, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Phấn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và truyền thông môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Liễu - Trưởng phòng giảm nhẹ và kinh tế BĐKH, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH; Bà Nguyễn Trâm Anh- Chuyên gia kỹ thuật quốc gia - Tổ chức công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO)…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn nêu rõ, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Do vậy, để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, tại Hội nghị COP26 đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn được nhận định là nền tảng giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết, cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, để phát triển bền vững. Hội thảo nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, vai trò của kinh tế tuần hoàn trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; thông tin các nội dung cơ bản về Hội nghị COP28.

TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu khai mạc hội thảo.

TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo TS. Nguyễn Song Tùng, trong thời gian ngắn kể từ Hội nghị COP26 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp. Việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

Mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường. Cùng với đó, xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường, tạo ra thị trường mới, cơ hội mới, việc làm mới, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Quốc Anh - Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu cho biết, theo kết quả khảo sát các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng của các tỉnh thành: 22/54 địa phương đề cập đến đầu tư phát triển năng lượng mặt trời; 11/51 địa phương đề cập đến phát triển điện gió (gần bờ và trên bờ); 8/54 địa phương nêu vấn đề đầu tư phát triển thuỷ điện nhỏ; đối với nội dung liên quan đến áp dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, 5/54 địa phương đề ra mục tiêu cụ thể và các thiết bị điện công nghiệp, thương mại hiệu suất cao; 8/54 địa phương đề cập đến biện pháp chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học và chỉ có 2/54 địa phương đề cập đến biện pháp chuyển sang sử dụng pin.

Theo ông Vũ Quốc Anh, để giảm phát thải ở địa phương, trong lĩnh vực nông nghiệp cần áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các biện pháp quản lý, đổi mới công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp và chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý cây trồng tổng hợp, tăng diện tích canh tác được tưới tiết kiệm, tưới thông minh cho canh tác lúa nước và cây dài ngày; chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng phát thải thấp; cải thiện khẩu phần thức ăn trong chăn nuôi. Tái sử dụng phế, phụ phẩm trồng trọt và xử lý chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ hoặc tạo khí sinh học…

Bên lề hội thảo diễn ra chương trình “đổi rác lấy cây xanh”; giới thiệu các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực.

Bên lề hội thảo diễn ra chương trình “đổi rác lấy cây xanh”; giới thiệu các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực.

Tại hội thảo các nhà khoa học, đại biểu trao đổi, thảo luận nội dung Chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; lộ trình và giải pháp, các nguồn lực tài chính cho thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam; vai trò của kinh tế tuần hoàn trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; thông tin các nội dung cơ bản về Hội nghị COP28...

Đọc thêm