Họ đa phần là những người thuộc thế hệ 9X, có chung một niềm đam mê với âm nhạc thính phòng kết hợp với nhạc điện tử sôi động. Dường như mỗi lần họ xuất hiện đều mang lại sự hào hứng, ấn tượng dành cho họ. Bởi những nghệ sĩ đường phố ấy không biểu diễn vì điều gì ngoài niềm đam mê với âm nhạc.
“Việc biểu diễn trên đường phố với dàn nhạc giao hưởng không phải là điều quá mới mẻ trên thế giới. Chúng tôi từng được xem một số video những chương trình hòa nhạc mà dàn nhạc giao hưởng toàn những người tóc đã bạc chơi lại những bản EDM hay những bản “hit” cực kỳ sôi động và vui nhộn. Ban nhạc Rhapsody Philharmonic đã nảy ra ý tưởng tại sao chúng ta không tổ chức những buổi diễn như vậy ở Việt Nam và thế là dự án Play của Rhapsody Philharmonic đã ra đời” - Slim V thành viên Rhapsody Philharmonic của chia sẻ về tình yêu dành cho âm nhạc đường phố.
Thực tế, để âm nhạc đường phố trở thành một nét đẹp, đi sâu vào lòng người thì Saigon Big Band đã làm tốt hơn Hà Nội. Tuy nhiên, khoảng cách đó không quá xa bởi những đoạn video những buổi giao hưởng đường phố khi chia sẻ lên youtube của hai nhóm nhạc nổi tiếng này đều chỉ nhận được sự quan tâm “quá ít ỏi” của công chúng. Anh Minh Tuấn, một người thích nghe âm nhạc đường phố lo lắng: “Âm nhạc đường phố đã quá nổi tiếng ở thế giới, là đặc sản của ở trời Tây. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn quá yếu ớt. Tôi không biết các nghệ sĩ sẽ xuống phố với tình yêu âm nhạc thực sự được bao lâu khi khán giả thì không mặn mà, mà những lo toan cuộc sống của họ thì lại quá nặng nề”?
Lo ngại này hoàn toàn có lý bởi những người xuống phố để chơi nhạc là những nhạc công có một tình yêu âm nhạc đúng nghĩa nhưng họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi xã hội quan tâm nhiều đến giải trí mà “ghẻ lạnh” nghệ thuật. Đã có quá nhiều người phải đặt đàn xuống để bươn chải cuộc sống. Và âm nhạc đường phố chính là cơ hội để họ được tiếp tục sống với tình yêu âm nhạc khi sân khấu dành cho họ quá “hiếm hoi”. Và ai đến với âm nhạc đường phố cũng đều mong muốn sự chân thành với âm nhạc của họ có thể chạm vào trái tim của khán giả. Qua đó, để khán giả hiểu hơn về những cống hiến thực sự của nghệ sĩ Việt Nam nói chung và của nhạc công nói riêng.
Tuy vậy, nếu chỉ yêu thôi chưa đủ bởi với mỗi buổi biểu diễn như vậy họ cũng cần đến kinh phí. Cũng không ai cứ gắn bó mãi với thứ mà không mang lại cho họ nguồn sống. Và cứ như vậy, những nhu cầu về vật chất cộng hưởng với sự khó khăn trong nghề mà những nhạc công phải đối mặt - tâm huyết bị bào mòn sẽ là điều không xa.