Băn khoăn 'cơn sốt' luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ đang là vấn đề “nóng” gây nhiều tranh luận khi các chứng chỉ này trở thành một trong những “tấm vé” vào được các trường đại học tốp đầu Việt Nam.
Việc quy đổi điểm chuẩn đối với chứng chỉ tiếng Anh đang gây ra nhiều tranh luận. (Nguồn ảnh: hocmai.vn)
Việc quy đổi điểm chuẩn đối với chứng chỉ tiếng Anh đang gây ra nhiều tranh luận. (Nguồn ảnh: hocmai.vn)

Những “đặc quyền” hấp dẫn

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở giáo dục và đào tạo ngày 24/8, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, thực tế còn lộn xộn trong thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ bàn bạc về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế tuyển sinh đầu vào.

Hiện nay, ở hầu hết các khối từ tiểu học đến đại học, những chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài như VSTEP, TOEIC, đặc biệt là IELTS, đều đang được ưu tiên. Nhiều trường đã dành sự “ưu ái” như tuyển thẳng, cộng điểm, quy đổi điểm chuẩn với những thí sinh có các chứng chỉ trên hoặc tương đương. Theo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT ban hành, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên hoặc tương đương được miễn thi và tính điểm 10 cho môn Tiếng Anh khi xét tốt nghiệp THPT.

Không chỉ được miễn thi ngoại ngữ, các chứng chỉ tiếng nước ngoài còn được ưu tiên khi xét tuyển vào các trường đại học. Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, tính đến tháng 5, đã có đến 86 trường đại học, học viện thông báo tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, cộng điểm ưu tiên với thí sinh có chứng chỉ IELTS (hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương). Điểm quy đổi tại các trường đối với những chứng chỉ này cũng rất cao, ví dụ Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm IELTS 5.0 được quy đổi tương đương điểm 8,5 khi xét tuyển vào trường này, 5.5 quy đổi thành 9; 6 thành 9,5; và từ 6.5 IELTS quy đổi thành 10. Mức điểm này, cũng tương ứng với một số trường đào tạo về khoa học, kỹ thuật.

Tuy nhiên, việc quy đổi điểm như vậy đã gây nhiều tranh cãi. Theo chương trình học hiện nay, mức IELTS 4.0 chỉ tương đương trình độ ngoại ngữ của học sinh lớp 5, không quá khó để người thi có thể ôn luyện và đạt được trong một thời gian. Ngược lại, phổ điểm thi THPT quốc gia 2023 do Bộ GD&ĐT công bố, điểm trung bình của môn Tiếng Anh là 5,45, điểm trung vị là 5,2, điểm trung bình nhiều thí sinh đạt được nhất là 4,2, số người đạt điểm 10 tuyệt đối môn Tiếng Anh là 494 người, chiếm 0,056% tổng số thí sinh đăng ký dự thi (876.102 người). Không dễ để đạt được điểm 10 Tiếng Anh thi THPT quốc gia, phần lớn đều là những thí sinh có học lực giỏi, xuất sắc. Trong khi đó, chỉ từ 4.0 - 5.5 IELTS, nhiều thí sinh đã được miễn thi ngoại ngữ, quy đổi điểm môn Tiếng Anh thành 9 - 10 điểm.

Mặt khác, trong kỳ thi THPT quốc gia, một số thí sinh có thể bị ảnh hưởng tâm lý không thể đạt được điểm số tuyệt đối. Nhưng với kỳ thi IELTS, TOEIC, các thí sinh có thể thi lại nhiều lần, mỗi lần, các em sẽ rút được kinh nghiệm, đồng thời tìm được cách ôn luyện đúng đắn. Chính vì vậy, hiện ngày càng nhiều học sinh tập trung luyện thi lấy chứng chỉ IELTS để “nắm chắc” một suất vào các trường đại học tốt.

Còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện năm 2021, với 900 người, cho thấy Tiếng Anh được nhiều người học nhất với 86%, tiếp theo là Tiếng Nhật, Tiếng Trung. Và 37% số người được hỏi cho biết mỗi tuần dành trung bình 1 - 3 giờ để học ngoại ngữ, 20% dành 3 - 6 giờ và hơn 10% dành hơn 10 giờ.

Nhưng hiện nay Việt Nam vẫn không phải là quốc gia có đông đảo người lao động sử dụng thành thạo Tiếng Anh. Theo báo cáo tổng chỉ số nguồn nhân lực 2022 của Manpower Group, Việt Nam chỉ có 5% lao động đủ trình độ Tiếng Anh để làm việc. Con số này còn thấp hơn so với các quốc gia không nói Tiếng Anh khác trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%).

Nhiều học sinh, sinh viên thi các chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài như IELTS nhưng không hiểu được ý nghĩa của chứng chỉ. Các em chỉ coi đây là một xu thế trong xã hội, càng được điểm cao càng có nhiều cơ hội vào được những trường THPT, đại học tốp đầu, hoặc những vị trí công việc tốt trong tương lai.

Điều này góp phần dẫn đến thực trạng đáng buồn là nhiều học sinh, sinh viên dành phần lớn thời gian để luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ, “bỏ bê” học chuyên môn, các môn văn hóa. Trong khi đó, thị trường lao động của Việt Nam ngày nay đang thiếu những người có chuyên môn cao. Theo Báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân lực năm 2022 của Tập đoàn ManpowerGroup, dù Việt Nam là đất nước có tỉ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%), nhưng số người lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%.

Trong “cơn sốt” thi chứng chỉ IELTS tại Việt Nam vài năm gần đây, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn những bất cập, như Cục trưởng Cục Quản lý Huỳnh Văn Chương nhận định: “Vừa qua, trong quá trình thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ đã gặp rất nhiều trường hợp các sở để “lọt” chứng chỉ ngoại ngữ chưa phù hợp. Đây là trách nhiệm của các sở GD&ĐT. Cần hết sức lưu ý, đặc biệt là các chuyên viên quản lý công việc này”.

Với mong muốn thí sinh thi chứng chỉ IELTS đạt điểm cao, không ít trung tâm đã sử dụng chiêu trò “dự đoán” đề thi, hoặc mở các “lò luyện” với những dạng bài, công thức để giúp thí sinh đạt được một số điểm nhất định. Tuy nhiên, chứng chỉ IELTS hay bất cứ chứng chỉ thi ngoại ngữ nào đều là hình thức để kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học. Vì vậy, việc luyện thi theo kiểu “luyện gà”, chỉ chăm chú giải đề hay học thuộc lòng nhằm có điểm số cao sẽ không đúng ý nghĩa ban đầu của các chứng chỉ này. Đặc biệt hơn, việc “ưu ái” các chứng chỉ này đã vô tình tạo ra sự bất cập, không đồng đều trong giáo dục, khi rất nhiều thí sinh ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các kì thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài. Điều này đã và đang tạo áp lực cho các thí sinh ở cả thành phố và nông thôn đối với môn Tiếng Anh.

Đọc thêm